Trong 5 tháng đầu năm, 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 31/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Ảnh: Tường Lâm |
Báo cáo chỉ ra 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 31/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Trong số đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, gồm Đài truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Xây dựng (41,44%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (41,53%), Ngân hàng Chính sách xã hội (37,78%), Tiền Giang (47,8%), Phú Thọ (41,95%), Tuyên Quang (39,34%), Hòa Bình (35,6%).
Bên cạnh đó, 30 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân) và 27 địa phương giải ngân dưới 20%.
Một số vướng mắc đã được Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành báo cáo với Chính phủ liên quan đến quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn, công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...
Ngoài các nguyên nhân trên, việc giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phân bổ vốn, các dự án trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm sau, danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới.