Chuyên gia khuyến nghị cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đầu tư tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Tú Minh |
Đã loại nhiều dự án không hiệu quả
Nhìn lại 5 năm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) đi vào cuộc sống, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương đánh giá, cùng với sự ra đời của Luật, một hệ thống quy phạm pháp luật đã được khẩn trương xây dựng và ban hành, tạo thành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo thực thi và có hiệu quả. Luật đã góp phần đạt mục tiêu về tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn 2011 - 2015.
Đánh giá của Viện Năng lượng chỉ ra, tỷ lệ TKNL cộng dồn cho cả giai đoạn 2011 - 2015 là 5,65% với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này là 11,261 triệu tấn dầu quy đổi.
Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, triển khai thực hiện Luật SDNLTK&HQ trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã đưa ra khỏi Quy hoạch sản xuất xi măng 14 dự án (chủ yếu là những dự án có quy mô công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo môi trường, lãng phí nhiên liệu), hoãn triển khai 9 dự án, giãn tiến độ 5 dự án.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định, ngoài việc góp phần giảm lượng phát thải của các phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường, Luật SDNLTK&HQ đang tiếp tục làm giảm đáng kể lượng nhiên liệu tiêu thụ trong giao thông vận tải.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, qua hơn một năm thí điểm mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO) để cung cấp các dịch vụ TKNL, đơn vị đã ký kết được 4 hợp đồng cung cấp dịch vụ nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời với tổng giá trị hợp đồng là gần 5 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Ông Quân nhấn mạnh, chúng ta còn thiếu một mạng lưới các đơn vị cung cấp, dịch vụ, tài chính và công nghệ TKNL theo mô hình ESCO cũng như thiếu khung pháp lý cho triển khai thực hiện. Dù năm qua tại Việt Nam đã có một số đơn vị trong lĩnh vực TKNL thí điểm thực hiện thành công mô hình ESCO – mô hình kinh doanh góp phần triển khai thành công chương trình TKNL, tuy nhiên việc thực hiện hợp đồng loại này đang gặp nhiều khó khăn. Theo mô hình này, các DN ESCO sẽ tìm kiếm các dự án đầu tư tiềm năng về TKNL, cung cấp các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và tài chính cho DN sử dụng năng lượng. Việc thực hiện giải pháp TKNL được ký kết giữa ESCO và DN theo dạng thức hợp đồng EPC – loại hợp đồng rất đặc thù không giống với hợp đồng đầu tư hay tư vấn thông thường.
“Nhưng vì chưa có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phương pháp xác định năng lượng tiết kiệm được sau khi thực hiện các giải pháp TKNL theo hợp đồng EPC, nên trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng trong việc xác định mức năng lượng tiết kiệm được sẽ không có cơ quan trọng tài nào đứng ra giải quyết” - ông Quân chia sẻ.
Chỉ ra một khó khăn khác trong việc thực thi Luật SDNLTK&HQ và các văn bản hướng dẫn, bà Linh cho hay: “Hiện còn thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm, trang thiết bị, vật liệu TKNL và các công trình được chứng nhận là các công trình xanh, công trình áp dụng các giải pháp TKNL. Thêm vào đó, chế tài xử lý các hành vi vi phạm về SDNLTK&HQ đã có nhưng thực hiện chưa hiệu quả”.
Một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực SDNLTK&HQ của Đan Mạch thẳng thắn nêu quan điểm, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các DN nhỏ và vừa thực hiện đầu tư TKNL nhưng chưa có chính sách hỗ trợ rõ ràng với cơ chế hiệu quả (hỗ trợ về tài chính, gỡ bỏ rào cản) và chế tài phù hợp nên việc thực hiện trong cuộc sống còn chậm.