Tỷ lệ dự án được giám sát, đánh giá đầu tư còn thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh phân cấp, phân quyền rất mạnh thì công tác giám sát, đánh giá đầu tư càng cần được chú trọng để đảm bảo nguồn lực của Nhà nước được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn không ít đơn vị chưa chú trọng thực hiện công tác này.
Năm 2019 có 29.812 dự án sử dụng vốn nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2019 có 29.812 dự án sử dụng vốn nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư. Ảnh: Nhã Chi

Công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong những năm qua đã được các đơn vị tăng cường. Qua giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra sau đầu tư đã phát hiện kịp thời nhiều vi phạm trong đầu tư, từ đó có biện pháp xử lý khắc phục hậu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, trong năm 2019 có 29.812 dự án trên tổng số 69.011 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (gọi tắt là Hệ thống thông tin), đạt tỷ lệ 43,2%. Các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra 15.834 dự án, chiếm 22,9% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ; tổ chức đánh giá 26.598 dự án, chiếm 38,54% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Qua giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh, vi phạm quy định thủ tục đầu tư, có thất thoát, lãng phí...

Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác, trong năm 2019 có 3.933 dự án được kiểm tra, đánh giá, đạt tỷ lệ 51% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Qua kiểm tra, đánh giá phát hiện có 587 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư; 140 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường, 128 dự án vi phạm quy định về sử dụng đất đai, 21 dự án có vi phạm về quản lý tài nguyên; đã thu hồi 527 giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bên cạnh đó, về công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, Bộ KH&ĐT cho biết năm 2019 có 44/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số liệu tổng hợp báo cáo về công tác giám sát đầu tư của cộng đồng. Theo đó, có 25.243 dự án được giám sát đầu tư của cộng đồng. Thông qua giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện 716 dự án có vi phạm; 678 dự án đã có thông báo kết quả vi phạm và 559 dự án chủ đầu tư đã thực hiện khắc phục vi phạm.

Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp của Bộ KH&ĐT, vẫn còn nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa tích cực trong việc theo dõi, giám sát đối với các chương trình, dự án đầu tư, cũng như thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư theo đúng quy định. Số lượng các dự án có báo cáo giám sát trên Hệ thống thông tin, được kiểm tra, đánh giá còn thấp so với tổng số dự án thực hiện trong kỳ. Đến thời điểm Bộ KH&ĐT chốt số danh sách để tổng hợp số liệu về công tác giám sát, đánh giá đầu tư năm 2019 theo quy định, trên Hệ thống thông tin của Bộ nhận được báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2019 của 110/123 cơ quan, đạt 89,43%. Còn 13 cơ quan không báo cáo hoặc có bản dự thảo báo cáo nhưng chưa duyệt chính thức trên Hệ thống thông tin đúng thời hạn. Trong đó, có đơn vị 3 năm liên tiếp không thực hiện báo cáo trên Hệ thống thông tin. Trong số các cơ quan đã gửi báo cáo, còn nhiều đơn vị gửi số liệu không đầy đủ hoặc có sai sót...

Bộ KH&ĐT đề nghị các cơ quan cần tích cực theo dõi, kiểm tra, kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình. Trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án đã có trong kế hoạch được thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư, tiến độ đầu tư, chất lượng công trình, thời hạn đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Chuyên đề