Tuần lễ Cấp cao APEC: Bối cảnh toàn cầu và tâm thế Việt Nam

Trong một thế giới đang biến động mạnh mẽ, Việt Nam sẽ đón các vị thượng khách tại Tuần lễ Cấp cao APEC trong tư thế chủ động tham gia định hình lại các chính sách và mô hình phát triển.
Đà Nẵng - nơi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017.
Đà Nẵng - nơi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017.

Chỉ còn vài ngày nữa, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ chính thức khai mạc tại thành phố Đà Nẵng. Với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, hơn 10.000 đại biểu trong nước, quốc tế cùng hàng ngàn phóng viên của các hãng thông tấn báo chí, đây là sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất của Việt Nam trong cả nhiệm kỳ.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit), trong Tuần lễ Cấp cao APEC, các hoạt động của doanh nghiệp luôn chiếm vị trí quan trọng.

Bối cảnh đặc biệt của Tuần lễ Cấp cao APEC

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh rằng những biến đổi mạnh mẽ gần đây của tình hình thế giới đã tạo nên bối cảnh rất đặc biệt của Tuần lễ Cấp cao APEC lần này.

Cụ thể, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay đổi tận gốc rễ nền tảng kinh tế toàn cầu, đặt các nền kinh tế trước những thử thách và cả cơ hội chưa từng có. Hội nhập và toàn cầu hóa vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, nhưng khác với kỳ APEC 2006 cũng tại Việt Nam, APEC lần này diễn ra khi chủ nghĩa bảo hộ đang trở lại.

Theo IMF, dù kinh tế toàn cầu và khu vực APEC vẫn có xu hướng tăng trưởng nhưng trong dài hạn sẽ vẫn thấp hơn các thập kỷ trước đây, do bị cản trở bởi năng suất thấp và bất bình đẳng tăng lên khi rất nhiều đối tượng bị bỏ lại phía sau. Nhiều chuyên gia đã đánh giá 2017 là một trong những năm thách thức nhất đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu và APEC không phải là ngoại lệ.

Hàng loạt vấn đề toàn cầu nóng bỏng cùng nhiều đề xuất, sáng kiến lớn dự kiến sẽ được thảo luận trong chương trình và bên lề Tuần lễ Cấp cao lần này, như việc hiện thực hóa các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; tương lai của TPP; tầm nhìn sau 2020 của APEC… Cùng với đó, nhiều lãnh đạo của các nền kinh tế APEC cũng vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới như Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản  hoặc lần đầu đắc cử như Thủ tướng New Zealand…

“Theo chúng tôi, nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi một sự định hình mới và sự định hình này trước hết sẽ diễn ra tại APEC, khu vực đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Và Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng. APEC và cả Việt Nam đang cần những động lực mới cho cải cách và phát triển”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Là một điển hình thành công trong đổi mới và hội nhập, những biến động mới trên toàn cầu đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam. Rất nhiều thách thức, thế nhưng Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có với lợi thế so sánh vượt trội trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp-gắn liền với nền ẩm thực; du lịch; và kinh tế sáng tạo gắn với công nghệ thông tin.

Tự do sáng tạo phải đi cùng phát triển bền vững

Với bối cảnh như trên, những ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho năm APEC 2017 - và đã nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế khác- không chỉ phù hợp với nhu cầu của APEC, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu nội tại, là trọng tâm chính sách của Việt Nam.

Đó là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nói rõ hơn về yêu cầu phát triển bền vững, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng thế giới đã nói rất nhiều, nói từ rất lâu về chủ đề này. Nhưng với cách mạng 4.0, sự bùng nổ của kinh tế sáng tạo, lần đầu tiên cơ hội được trao cho tất cả mọi người một cách bình đẳng, bất kể người ấy ở đâu và làm gì. Từng người nông dân ở quê lúa Thái Bình hay một người thợ may ở Hội An có thể tiếp cận trực tiếp, nhận đơn  hàng và cung cấp sản phẩm cho từng người tiêu dùng tại Mỹ, Nhật, châu Âu…

Với những sản phẩm - kể cả sản phẩm thủ công - tinh tế, khác biệt, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời được làm ra một cách đầy trách nhiệm theo các chuẩn mực quốc tế, thì các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không chỉ có thể tồn tại, mà còn có lợi thế để vươn lên.

“Quá trình toàn cầu hóa tất nhiên tiếp tục tiến lên phía trước nhưng rõ ràng quá trình ấy phải định hình lại để không gây tổn thương cho các đối tượng yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau và không ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai”, ông Lộc nhận định và cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới trở nên bất định, công nghệ thông tin và thương mại điện tử bùng nổ, các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là động lực mới, làm thay đổi bộ mặt kinh tế thế giới.

Ông Lộc tiết lộ rằng mới đây, tại nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC, VCCI vừa dựng tượng đài “Mẹ” lấy nguyên mẫu từ hình tượng mẹ Âu Cơ của người Việt.

“Người mẹ luôn là biểu tượng của lòng bao dung, sự hòa hợp, gắn kết. Không thể có phát triển bền vững nếu thiếu sự bao dung, hòa hợp ấy. Tự do sáng tạo phải phục vụ tự do nhân bản toàn diện”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát biểu.  

Nhân đôi giá trị gia tăng của Việt Nam

Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tức là chủ động tham gia vào việc định hình “luật chơi” trong quan hệ quốc tế và APEC lần này sẽ là một cơ hội lớn tiếp theo cho Việt Nam. Tất nhiên, đúng như chủ đề của APEC, quá trình này cần sự chung tay của tất cả, nhưng nước chủ nhà có thể gợi mở và dẫn dắt các thảo luận, định hướng các nội dung.

“Những thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao APEC lần này có thuyết phục được rằng các quốc gia và mọi cá nhân đều có thể cùng thắng trong hội nhập, trong toàn cầu hóa?”, ông Lộc đặt vấn đề. Trên thực tế, theo những thông tin mới nhất, đã có những tín hiệu rất tích cực cho thấy 11 nước thành viên TPP còn lại đã thu hẹp khác biệt, mở ra triển vọng đột phá về tương lai TPP trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Mặt khác, Tuần lễ Cấp cao APEC là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với các vị thượng khách về nền văn hóa và các cơ hội thương mại, đầu tư tại Việt Nam. Các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp “nhân đôi” giá trị gia tăng cho Việt Nam trong tuần lễ cấp cao này.

Trong đó, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Việt Nam Business Summit – VBS) sẽ được kết hợp với triển lãm xúc tiến đầu tư của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tức là, cơ hội từ APEC không chỉ dành riêng cho Đà Nẵng.

Tóm lại, với Tuần lễ Cấp cao lần này, Việt Nam Việt Nam có thể thu hút được sự ủng hộ từ các thành viên APEC cho các mục tiêu của mình. Đồng thời, có những đóng góp thiết thực nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn với hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên.

Trong kỳ APEC năm nay, VCCI được phân công chủ trì các sự kiện liên quan tới doanh nghiệp và ngoài các sự kiện được tổ chức theo thông lệ, sẽ có các sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam.

Cụ thể, 2 sự kiện theo thông lệ gồm cuộc họp của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit), bàn về các vấn đề kinh tế toàn cầu, các xu hướng đối thoại, hợp tác, hội nhập và cải cách. Dự kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Còn sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Việt Nam Business Summit – VBS), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và khai mạc Hội nghị này.

Ngoài 3 hội nghị nói trên, các cuộc đối thoại bên lề giữa các doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ được tổ chức.

Chuyên đề