SHB đã tạo dựng bản sắc riêng với phương châm hoạt động giàu tính nhân văn |
Trong khoảng thời gian từ 2005 - thời điểm thực sự chuyển mình - đến nay, SHB đã phát triển thần tốc từ ngân hàng nông thôn quy mô nhỏ trở thành ngân hàng nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước chi phối lớn nhất Việt Nam. Điều gì đã giúp SHB có sự vươn lên mạnh mẽ?
Những dấu mốc... bất ngờ
Có thể nói, kể từ thời điểm thành lập năm 1993 đến năm 2005 là giai đoạn phát triển thầm lặng của SHB. Đặt hội sở chính tại Cần Thơ, phạm vi hoạt động của Ngân hàng bó gọn trong địa bàn Tỉnh với một số nghiệp vụ kinh doanh truyền thống: huy động, cho vay đối với đối tượng khách hàng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Trần Ngọc Linh, vị Chủ tịch đầu tiên của SHB nhớ lại: “Ngay từ khi mới đi vào hoạt động, phương châm của Ngân hàng là cung cấp các dịch vụ trên tinh thần tình người đối xử với nhau thân ái, yêu thương, tránh tình trạng cho vay nặng lãi. Cái tên Ngân hàng Nhơn Ái cũng ra đời từ đó”. Khi mới đi vào hoạt động, Nhơn Ái có vốn điều lệ 400 triệu đồng, tổng số cán bộ, nhân viên chỉ có 8 người. Ngân hàng có trụ sở chính đặt tại Phong Điền và 7 phòng giao dịch trong khu vực. Đến năm 2006, Ngân hàng có tổng tài sản 1.322 tỷ đồng, tổng số nhân sự 169 người, khoảng 1.900 khách hàng.
SHB thực sự chuyển mình sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng TM nông thôn thành ngân hàng TM đô thị năm 2006. Ngoài việc tăng vốn, đổi tên, chuyển trụ sở chính từ Cần Thơ ra Hà Nội, mở rộng phạm vi kinh doanh, SHB đã đề ra một chiến lược phát triển rõ ràng, cụ thể. Đó là trở thành Tập đoàn tài chính - ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng vào năm 2020. Bám sát mục tiêu chiến lược đó, SHB không ngừng triển khai các hoạt động. Khởi đầu là việc bắt với tay hai tập đoàn kinh tế lớn: Than - Khoáng sản Việt Nam và Công nghiệp Cao su Việt Nam vào năm 2007. Hai tập đoàn này không chỉ hỗ trợ về vốn, mà còn là khách hàng đầy tiềm năng của SHB. Với hàng trăm doanh nghiệp là các công ty thành viên, công ty con cùng hàng nghìn lao động thuộc hai tập đoàn trên, SHB hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính doanh nghiệp, tài chính cá nhân.
Năm 2008, SHB chuyển trụ sở ra Hà Nội tạo bước ngoặt sau 15 năm hoạt động, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Nhằm tìm kiếm cơ hội tăng vốn điều lệ, công khai, minh bạch hoạt động, bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông, năm 2009, SHB đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính thức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Bước ngoặt lịch sử tiếp theo của SHB diễn ra vào năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SHB nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Habubank (HBB). Trước thời điểm sáp nhập HBB, SHB có vốn điều lệ gần 5 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản trên 80 nghìn tỷ đồng, 240 chi nhánh phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh SHB tại Lào và Campuchia, gần 5.000 cán bộ, nhân viên. Đến 30/6/2016, quy mô của SHB đã được nâng lên mạnh mẽ: vốn điều lệ xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 212 nghìn tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 140 nghìn tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng đạt 159 nghìn tỷ đồng.
Nói về thương vụ sáp nhập này, ông Phan Xuân Cần, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Việt Nam từng cho rằng, đây là một thương vụ của lý trí. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hạn chế các ngân hàng TM mở chi nhánh mới, việc nhận sáp nhập HBB giúp SHB có ngay hệ thống các chi nhánh để hình thành mạng lưới kinh doanh rộng hơn. Vốn điều lệ, tổng tài sản nguồn nhân lực đã tăng lên đáng kể sau thương vụ này. Mặt khác, dưới góc độ thương hiệu, thương vụ này đã nâng SHB lên một vị thế khác, cao hơn, quy mô và chuyên nghiệp hơn.
Trên cơ sở thành công của việc nhận sáp nhập HBB, tháng 10/2015 các cổ đông đã đồng thuận nhận sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel (VVF), tới đây sẽ tái cấu trúc công ty này thành Công ty TNHH MTV Tài chính Tín dụng Tiêu dùng SHB nhằm chuyên biệt hóa các sản phẩm tài chính tiêu dùng, mở rộng kênh phân phối, gia tăng thu nhập cho SHB.
Với việc nhận sáp nhập và tái cấu trúc VVF, về cơ bản, SHB và các công ty con, công ty liên kết sẽ cung cấp trọn gói các sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán, cho vay tiêu dùng. Trong thời gian tới, SHB sẽ đẩy mạnh việc bán chéo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nguồn lực con người
Lý giải cho sự phát triển mạnh mẽ của SHB, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, nguồn lực lớn nhất của SHB đó là con người. Trong suốt lịch sử phát triển, SHB luôn đề ra những định hướng đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở đó xây dựng những kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, từng thời kỳ gắn với các mục tiêu. Thứ hai là sự năng động, nhạy bén trong điều hành của HĐQT SHB. Bên cạnh đó là tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan quản lý đối với mọi hoạt động trên cơ sở nghiêm túc chấp hành những định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Và yếu tố then chốt không thể không nhắc đến là xây dựng được đặc trưng văn hóa SHB với bản sắc là tình thân ái, tính nhân văn. Nền tảng đó đã giúp SHB tạo ra các giá trị phát triển của riêng mình, mang đến sự khác biệt.
Xây dựng nền tảng, phát triển bền vững là ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay của SHB. Sau một thời gian phát triển với tốc độ tương đối nhanh, SHB sẽ tập trung vào quản trị rủi ro, kiện toàn bộ máy tổ chức, tiếp tục xử lý nợ xấu và giải quyết tồn tại từ khi nhận sáp nhập HBB. SHB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ, hiện đại, đa năng vào năm 2020, một mục tiêu hoàn toàn khả thi.