Trung Quốc ra loạt quy định mới, nhằm vào các “ông lớn” công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
Luật mới được cho là sẽ gây áp lực mới lên các dịch vụ Internet hàng đầu ở nước này, bao gồm những trang thương mại điện tử...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc ngày 7/2 công bố một loạt quy định chống độc quyền mới, nhằm vào các nền tảng Internet ở nước này - hãng tin Reuters cho hay.

Các quy định mới vừa được chính thức hóa đã được nêu trong dự thảo luật chống độc quyền đưa ra vào đầu tháng 11/2020. Đồng thời, nhà chức trách cũng nêu rõ những hành vi độc quyền mà cơ quan chức năng dự định xử lý trong thời gian tới.

Luật mới được cho là sẽ gây áp lực mới lên các dịch vụ Internet hàng đầu ở nước này, bao gồm những trang thương mại điện tử như Taobao và Tmall của Alibaba hay JD.com. Luật mới cũng điều chỉnh hành vi của những dịch vụ thanh toán như Alipay của Ant Group hay WeChat Pay của Tencent.

Được công bố trên website của Cơ quan Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc (SAMR), quy định mới cấm các công ty có những hành vi như ép buộc các nhà bán hàng trực tuyến phải lựa chọn giữa các nền tảng hàng đầu - một thực tế đã diễn ra từ lâu ở nước này.

SAMR nói rằng quy định mới sẽ "chấm dứt những hành vi độc quyền trong nền kinh tế dựa trên các nền tảng Internet và bảo vệ sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường".

Cơ quan này cũng tuyên bố sẽ chặn đứng việc các công ty khỏi những hành vi như thao túng giá, hạn chế công nghệ, hay sử dụng dữ liệu và các thuật toán để thao túng thị trường.

Trong mục hỏi và trả lời (Q&A) đi kèm thông báo về quy định mới, SAMR nói thông tin về những hành vi độc quyền liên quan đến lĩnh vực Internet ngày càng phổ biến, và cơ quan này đối mặt nhiều thách thức trong việc điều tiết nền kinh tế Internet.

"Hành vi độc quyền được che đậy ngày càng kỹ lưỡng, việc sử dụng dữ liệu, thuật toán, các quy định của nền tảng… khiến rất khó để phát hiện và xác định đâu là những thỏa thuận độc quyền", SAMR nói.

Mấy tháng gần đây, Trung Quốc bắt đầu siết chặt giám sát các công ty công nghệ khổng lồ, đảo ngược cách thức quản lý có phần lỏng lẻo trước đây.

Hồi tháng 12, cơ quan chức năng nước này mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba Group, sau khi bất ngờ đình chỉ kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 37 tỷ USD của Ant Group - một công ty con của Alibaba.

Vào thời điểm đó, nhà chức trách đã cảnh báo Alibaba về những hành vi như buộc các nhà bán hàng phải ký thỏa thuận hợp tác độc quyền để họ không thể bán hàng trên các nền tảng khác.

Chuyên đề