Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump (trái) và Rex Tillerson, người được ông chọn làm ngoại trưởng. Ảnh:Reuters. |
"Chúng ta không thể rút khỏi cam kết giúp giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên hành tinh này", AFP dẫn lời Rex Tillerson phát biểu trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện ngày 11/1. Một vai trò quan trọng của Bộ Ngoại giao Mỹ là "theo đuổi phi hạt nhân hóa".
Tillerson, cựu giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm người kế nhiệm Ngoại trưởng John Kerry hồi tháng 12/2016.
Quan điểm của Tillerson có phần mâu thuẫn với những tuyên bố mà ông Trump đưa ra khi tranh cử. Ông Trump từng nhắc đến khả năng Nhật Bản và Hàn Quốc, đều là đồng minh của Mỹ, tự vũ trang vũ khí hạt nhân. Tổng thống đắc cử gần đây còn "hồi sinh" nỗi ám ảnh về một cuộc đua vũ trang hạt nhân khi nói Mỹ sẽ hỗ trợ nếu có cường quốc hạt nhân muốn mở rộng kho vũ khí.
"Hãy cứ để chạy đua vũ trang diễn ra... chúng ta sẽ áp đảo và tồn tại lâu hơn tất cả họ", Trump nói hồi tháng 12, theo MSNBC. Mỹ nên "tăng cường và củng cố năng lực hạt nhân".
Khi được hỏi về quan điểm Nhật Bản và Hàn Quốc nên sở hữu vũ khí hạt nhân của Trump, ông Tillerson trả lời "tôi không đồng ý" và "không nên khuyến khích có thêm vũ khí hạt nhân trên hành tinh này".
Theo Tillerson, việc ông và Trump có bất đồng trong một số vấn đề lớn không khiến hai người rơi vào thế đối đầu tại Nhà Trắng. Mọi người trong nội các của Trump đều có cơ hội thảo luận các vấn đề "và tổng thống là người quyết định". Ông tự mô tả bản thân là người cởi mở và minh bạch.
Mỹ hiện có khoảng 7.000 đầu đạn hạt nhân, ít hơn Nga khoảng vài trăm đầu đạn. Lầu Năm Góc dự định hiện đại hóa "bộ ba hạt nhân", gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa phóng từ tàu ngầm và oanh tạc cơ chiến lược, với tổng chi phí ước tình 1.000 tỷ USD trong 30 năm.