Vậy nên, không chỉ được người Mông mà cả người Dao, Hà Nhì… khắp Lào Cai đều ưa chuộng mua về thắp trên bàn thờ tổ tiên vào các ngày lễ, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền.
Tục đốt hương từ lâu đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của đời sống tâm linh người Việt và đặc biệt được đốt nhiều vào những ngày Tết. Khói hương nhẹ nhàng, phảng phất lan tỏa khắp không gian mùi thơm thoang thoảng, như sợi dây thiêng liêng gắn kết cuộc sống con người với đất trời; như cầu nối giữa con người trần gian với cõi linh thánh thần với ông bà, tổ tiên ở chốn vĩnh hằng.
Tìm đến “cơ sở” của cụ Lý A Chô, một trong số những cơ sở sản xuất hương có thương hiệu gia truyền nổi tiếng còn sót lại của thôn Seo Khái Hóa. Năm nay, cụ Chô tuy đã hơn tuổi chục “mùa cây đâm chồi”, nhưng đôi mắt vẫn rất tinh nhanh. Chỉ tiếc, Cụ không nói được tiếng phổ thông, nên chúng tôi phải qua chàng “thông ngôn” Lý A Hẩu là con trai cả của Cụ để tìm hiểu về nghề làm hương. Vui vẻ, Cụ cho chúng tôi biết, Cụ chẳng nhớ nghề làm hương xuất hiện từ bao giờ ở cái thôn Seo Khái Hóa này nữa; chỉ biết lúc đôi chân lũn cũn biết men theo những bờ đá cùng cha lên đường ra chợ phiên Cán Cấu, thì ông nội Cụ là Lý A Bảo cũng đã là đời thứ tư sống với nghề làm hương.
Để làm ra được nén hương đơn giản, mà cũng lắm công phu. Hương ở Sán Chải cũng vậy, phải được chế từ ít nhất bốn, năm thành phần và pha trộn theo công thức nhất định. Từ đó, mới tạo được mùi hương dìu dịu, man mát mang đến cảm giác linh thiêng và thành kính. Đoán rằng đó là bí quyết gia truyền, nhưng tôi hỏi vui cụ Chô tỉ lệ pha trộn các thành phần. Cụ chỉ cười và cho biết, nghề làm hương không chỉ đơn giản là để thóc, ngô đầy gùi, giúp no cái bụng; mà còn để tạo ra “cái may mắn” cho con cháu, bởi vậy tâm niệm lớn nhất của cụ là giữ gìn nghề truyền thống của gia đình.
Các nguyên liệu làm hương của người Mông được Cụ chia sẻ, gồm một số loại cây như tre, séng, tiền… và mùn cưa của các loại cây khác đã khô và mục có chứa tinh dầu, chỉ mọc trên núi rừng Si Ma Cai. Cụ Chô giảng giải, cây tre làm chân và cốt nhang phải chọn những cây to, đẹp không quá già hoặc quá non để khi đốt dễ cháy, không bị mọt. Tre khi được chặt về đem cưa thành từng đoạn ngắn chừng hai mươi, ba mươi phân và ngâm trong nước suối vài chục ngày; sau đó lấy dao chẻ ra thành thanh nhỏ, dùng lửa hơ khô rồi buộc thành từng bó, để lên gác bếp. Lá séng, tiền, mùn cưa được thu hái về cũng cho lên gác bếp sấy khô, vò nát cho vào cối giã thật mịn. Từ các công đoạn chuẩn bị, những sợi tre đã xử lý sẽ được nhúng một nửa vào thùng nước lạnh, kéo ra vẩy cho ráo nước. Đem vùi đầu tre nhúng nước vào bột tiền sao cho dính đều đến khi nước không thấm ra ngoài thì phơi nắng cho khô. Tiếp đến, lại được ngâm nước rồi vùi vào bột cây seng. Bột này có tác dụng tạo màu vàng đẹp mắt, tạo mùi thơm dịu khi đốt... Như vậy là đã hoàn thành những cây hương để dùng hoặc mang đi chợ phiên bán.
Qua câu chuyện bên bếp lửa, cụ Chô còn tiết lộ, quan niệm của người Mông xưa là khi làm hương thì không được làm ngược chiều cây tre, nghĩa là gốc tre hướng xuống dưới thì chỉ làm chân hương, còn đầu tre hướng lên trên thì cho bám bột, nếu làm ngược chiều thì gia đình mà sử dụng bó hương đó sẽ gặp số bệnh khó chữa hoặc không may mắn. Chính vì vậy, người làm nghề không chỉ cần đức tính cẩn thận, tỉ mẩn, mà đặc biệt cũng cần một cái tâm.
Thường thường mỗi bó hương của người Mông có năm mươi que và mỗi bó như thế nếu mang đi chợ bán có giá từ 10.000 - 15.000 đồng. Trên địa bàn xã Sán Chải hiện có 2 thôn với trên 30 hộ gia đình làm nghề truyền thống này. Nghề làm hương của người Mông ở Sán Chải không chỉ tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập lúc nông nhàn, đặc biệt là dịp giáp Tết nhu cầu người mua tăng cao, mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc; đồng thời mở thêm một nghề thủ công mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở xã Sán Chải nói riêng và trên vùng cao biên giới Si Ma Cai nói chung.
Thời gian vẫn trôi, nhưng chợ Cán Cấu của Si Ma Cai vẫn giữ được những nét tinh túy nhất của chợ phiên vùng cao, phiên nào cũng tấp nập quyến rũ. Cán Cấu vào Xuân tấp nập bao chàng trai ngất ngư bên nồi thắng cố nghi ngút khói; nhưng cũng chẳng thể thiếu những bà già, cô gái cặm cụi dắt đứa trẻ mắt non ngơ ngác mua về vài ba bó hương được xếp hình rẻ quạt trên những cái nia tròn… Hương được mua về sẽ được người Mông, người Dao, Hà Nhì… thắp cúng Thần và cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết, nhất là vào khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, khi cả gia đình quây quần bên nhau. Sự lẩn khuất của làn khói và mùi hương thơm nhẹ lan tỏa, sẽ làm mỗi người thấy ấm cúng và gắn bó nhiều hơn.
Cùng với nhiều phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Khói hương vô sắc nhưng luôn phảng phất thơm ngát, như câu “Tự tại trong hành xứ, như chim giữa hư không, tìm dấu chân không thấy”. Khói hương tĩnh lặng tự tại, đem an lạc cho đời nhưng không lưu lại một dấu tích danh sắc nào. Khói hương thoát lên và bay cao, để tạo ra khoảng không gian thấm đượm triết lý nhân sinh!