Triển vọng hồi phục kinh tế dù còn nhiều khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có những tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể khởi sắc trở lại từ quý IV năm nay. Trong đó, lực đẩy quan trọng nhất là việc thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, 73,7% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định trong quý IV/2021. Ảnh: Lê Tiên
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, 73,7% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định trong quý IV/2021. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,42% so với cùng kỳ năm 2020.

TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều địa phương đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo bà Hương, nền kinh tế duy trì được tăng trưởng dương 1,42%, tuy không phải là mức cao nhưng an sinh xã hội được bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Ở khía cạnh khác, đã có một số tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế trong quý IV và cả năm nay. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa giảm từ mức 3,71 tỷ USD tính đến hết tháng 8 xuống còn 2,13 tỷ USD tính đến hết tháng 9.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, dự báo chung quý IV/2021, đa số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định. Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, bước sang quý IV, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, dù nhiều nước đẩy mạnh tiêm vắc xin, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại nguy cơ, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê cho biết: “GDP năm nay có thể đạt mức 3% nếu tăng trưởng quý IV đạt 7,1%. Tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 2,5% nếu tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 đạt 5,3%, mức này khả thi hơn”.

Theo Tổng cục Thống kê, để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước thì công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc). Tuy nhiên, quá trình này vẫn tiềm ẩn bất định liên quan đến sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới và tiến độ tiêm vắc xin chưa đồng đều trên toàn cầu. Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia có hoạt động sản xuất đang bật dậy mạnh mẽ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, triển vọng hồi phục kinh tế từ quý IV năm nay và cả năm sau phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch hiệu quả, từ đó hỗ trợ tích cực cho 3 động lực tăng trưởng kinh tế gồm đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng tư nhân.

Theo ông Thành, cần có kế hoạch phản ứng phù hợp, trong đó, đẩy mạnh tiêm vắc xin được coi là cần thiết nhất trong bối cảnh xác định sống chung với dịch. Mặt khác, ở các địa phương từng giãn cách kéo dài, doanh nghiệp và người dân gần như đã cạn kiệt nguồn lực nên cần có cách làm phù hợp để khôi phục sức chống chịu. Đồng thời, cần theo dõi kỹ đà hồi phục của các thị trường trên thế giới từ đó có chiến lược để doanh nghiệp trong nước bắt nhịp. Hơn nữa, các giải pháp hỗ trợ hồi phục được xây dựng trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ không còn nhiều nên cần hết sức cân nhắc về hiệu quả thực thi.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, bức tranh kinh tế trong quý cuối năm có thể khởi sắc trở lại do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng lâu nay bị kìm nén sẽ tăng trưởng tốt khi dần trở lại trạng thái bình thường mới. Song, mức tăng trưởng GDP quý IV phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc xin, cũng như việc thực thi hiệu quả mở cửa nền kinh tế và chống dịch theo mô hình mới.

Chuyên đề