Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM |
Thực tế, các nhà thầu Việt Nam đã tham gia sâu, có mặt từ đầu tại những dự án này như: Cienco6 liên danh với Sumitomo thực hiện Gói thầu số 2 Xây dựng đoạn đi cao và depot (đoạn từ Ba Son vượt sông Sài Gòn chạy dọc xa lộ Hà Nội đến depot Long Bình) được khởi công vào ngày 28/8/2012, có chiều dài 17,1 km bao gồm 11 nhà ga trên cao và khu depot sửa chữa tàu, lắp ráp robot đào hầm TBM.
Năm 2017, FECON trở thành nhà thầu Việt Nam đầu tiên được tham gia khâu vận hành robot khoan hầm (TBM) tại tuyến Metro số 1 TP.HCM đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật. FECON cũng đang tham gia thi công tại Nhà ga S9 - Kim Mã (Dự án Metro số 3 Hà Nội)…
Theo đánh giá khách quan, về nhân sự chất lượng cao, máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực, kinh nghiệm để tham gia vào các dự án metro, thi công ngầm…
Trong khi đó, theo quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030, Thành phố có 8 tuyến metro. Bên cạnh 2 tuyến đang xây dựng, 6 tuyến metro còn lại của TP.HCM đang trong giai đoạn nghiên cứu, xúc tiến mời gọi đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT TP.HCM đề xuất ưu tiên vốn để đầu tư 6 tuyến metro này từ nay đến năm 2035 với tổng nhu cầu vốn hơn 200.000 tỷ đồng. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các nhà thầu chuyên thi công công trình giao thông, hầm trong giai đoạn tới tận dụng lợi thế từ vai trò liên danh với nhà thầu quốc tế để có thể đứng vững trên đôi chân của mình.