Trí tuệ Việt trên đấu trường quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt giải thưởng được trao cho người Việt trên các cuộc thi tài quốc tế là minh chứng rõ nét cho tầm vóc, trí tuệ Việt không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Tuy nhiên, bài toán thời cuộc là làm thế nào để sau những vinh danh, những hào quang đẹp đẽ ấy, người tài chọn trở về Việt Nam, cống hiến cho quê hương giàu mạnh…
Năm nào Việt Nam cũng có nhiều học sinh, sinh viên giành giải cao trong các cuộc thi tài quốc tế
Năm nào Việt Nam cũng có nhiều học sinh, sinh viên giành giải cao trong các cuộc thi tài quốc tế

Rạng danh trí tuệ Việt

Ngược dòng lịch sử, thời kỳ giáo dục khoa cử, ánh sáng của những con đom đóm đã giúp cho Mạc Đĩnh Chi trở thành “Lưỡng quốc Trạng Nguyên”, Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên khi mới 13 tuổi nhờ khao khát học hỏi; Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh và nhiều trí thức khác đã góp phần tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt.

Năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chưa kết thúc, Việt Nam đã đạt 4 huy chương vàng tại Kỳ thi Toán quốc tế đầu tiên mà chúng ta tham gia. Đến lần tham gia sau, Lê Bá Khánh Trình đã xuất sắc đạt 40/40 điểm Olympic Toán quốc tế tổ chức tại Vương quốc Anh và nhận Giải đặc biệt từ Nữ hoàng Anh. Năm 2004, sinh viên Việt Nam giành chiến thắng tại cuộc thi Robocon châu Á, vượt qua các đối thủ đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong nhiều năm gần đây, các đoàn học sinh giỏi quốc gia Việt Nam tiếp tục làm rạng danh Tổ quốc trên nhiều đấu trường tri thức quốc tế khi đạt số lượng nhiều, chất lượng giải cao so với nhiều quốc gia ở khu vực, châu lục. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, thành tích của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi quốc tế cao hơn nhiều so với giai đoạn 2010 - 2015.

Năm 2017, đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế, ghi danh vị trí thứ ba trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Các thành viên đội tuyển Olympic Hóa học và Vật lý cũng vượt qua nhiều thí sinh tài năng từ các quốc gia khác để giành những thành tích cao nhất trong lịch sử. Trong năm 2018, học sinh Việt Nam được trao 13 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

Năm 2022, 100% học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế đều đạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng. Điều đáng nói, sau 19 năm kể từ năm 2003, Việt Nam tiếp tục có học sinh đạt điểm tuyệt đối tại kỳ Olympic Toán học quốc tế. Đó là em Ngô Quý Đăng, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt điểm tuyệt đối 42/42.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Việt Nam cũng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong các cuộc đua tài. Năm 2018, Đại học Lạc Hồng giành chiến thắng trước đội tuyển Trung Quốc trong trận chung kết để trở thành nhà vô địch cuộc thi Sáng tạo Robot khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) và đây là lần thứ 7, Việt Nam giành chiến thắng tại ABU Robocon.

Thành công của Việt Nam trong thi cử những năm qua đã xây dựng vị thế đất nước trên bản đồ tri thức thế giới. Đó là thành quả, là minh chứng sinh động khẳng định người Việt đủ sức “đấu trí” một cách sòng phẳng với các dân tộc khác, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của ngành giáo dục trong công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.

Không có thành công nào là dễ dàng, mà luôn đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ, sự kiên nhẫn và thậm chí là sự hy sinh, nỗ lực không mệt mỏi của nhiều người. Dường như những hạn chế về điều kiện sinh hoạt và học tập đã trở thành động lực thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và bứt phá của người Việt. Thành tích giải thưởng của học sinh, sinh viên Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó, ý chí chinh phục đỉnh cao, sự nỗ lực bứt phá và cả tình yêu quê hương, đất nước của người trẻ. Những thành tích xuất sắc đó không chỉ vì màu cờ sắc áo, khẳng định sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, mà còn thể hiện khát vọng nâng tầm vị thế quốc gia, dân tộc.

Để thu hút và trọng dụng nhân tài

Tuy nhiên, quan sát từ thực tế những năm qua cho thấy, rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam sau khi giành các giải thưởng lớn đã lựa chọn học tập, định cư, nhập quốc tịch nước ngoài. Dù tôn trọng sự lựa chọn của mỗi cá nhân, gia đình, nhưng thực tế này đang đặt ra bài toán cho đất nước, làm thế nào để người tài trở về, mang trí tuệ và tài năng xây dựng đất nước ta giàu đẹp hơn, thịnh vượng hơn.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo hiện nay là thực hiện đồng bộ 3 mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quan điểm của Đảng đã thể hiện tầm nhìn trân trọng tri thức, sẵn sàng đầu tư phát triển người tài, nhưng để người tài phụng sự trở lại sự phát triển của đất nước, rất cần những giải pháp cụ thể, căn cơ và khả thi.

Vai trò của người tài đối với quốc gia, dân tộc từng được sử thần thời Lê sơ là Thân Nhân Trung khẳng định với câu nói bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã nhận ra vai trò của nhân tài, kế thừa và nâng tầm việc phát hiện, trọng dụng nhân tài của ông cha ta một cách hiệu quả để nhân tài hội tụ và cống hiến cho sự nghiệp của đất nước.

Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, đòi hỏi ngày càng nhiều nhân sự chất lượng cao, nhất là đội ngũ tinh hoa, trí tuệ vượt trội. Để thu hút nhân tài và giữ được người tài, Nhà nước cần xây dựng chính sách đặc thù, nuôi dưỡng tài năng, tạo môi trường làm việc và đãi ngộ xứng đáng. Đương nhiên trong giáo dục, nước ta muốn phát triển và bắt kịp với thế giới thì nền giáo dục phải vận hành theo tiêu chí là học thật, thi thật để có nhân tài thật. Còn bệnh thành tích trong giáo dục là còn có nhiều cơ hội cho sự sinh sôi nảy nở của học giả, thi giả và nhân tài cũng giả.

Trong quá trình phát hiện và sử dụng nhân tài, cần tôn trọng tư duy khác biệt, sức sáng tạo và lấy năng lực, hiệu quả cống hiến của người tài làm thước đo. Đặc biệt, không nên lẫn lộn giữa nhân tài về chuyên môn khoa học, kỹ thuật hoặc văn học nghệ thuật với nhân tài về lãnh đạo, quản lý.

Để công bằng trong việc phát hiện, bồi dưỡng và trao trách nhiệm cho người xứng đáng, Chính phủ nên xây dựng trang điện tử, thông tin công khai, minh bạch về tiêu chí, quy trình, điều kiện phát hiện, thu hút, tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài cho đất nước. Các chính sách cần được thống nhất thực thi từ Trung ương đến địa phương, bởi nơi nào Việt Nam cũng có người tài.

Chuyên đề