Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã CK: MWG) vừa công bố danh sách 9 nhà đầu tư trong đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu. Những cái tên này, thực tế, đều là cổ đông của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (mã CK: TAG), trước đó đã đăng ký bán toàn bộ số cổ phần TAG đang sở hữu.
Việc đăng ký bán cổ phần TAG và mua cổ phần MWG phát hành riêng lẻ, về bản chất chỉ là một cách hoán đổi cổ phiếu. Theo danh sách mới công bố và số lượng cổ phiếu Trần Anh đăng ký bán trước đó, số lượng cổ phần MWG mà các nhà đầu tư này nhận được tương đương theo tỷ lệ 3,82 cổ phần TAG đổi 1 cổ phần MWG.
Với mức giá phát hành được Thế giới Di động công bố là 93.300 đồng mỗi cổ phần, tổng giá trị cổ phiếu MWG trong đợt phát hành riêng lẻ cho 9 cổ đông Trần Anh tương đương 576,7 tỷ đồng. Theo đó, mức định giá cổ phiếu TAG khoảng 24.400 đồng mỗi cổ phần. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo mức giá thị trường của cổ phiếu MWG, mức định giá với cổ phiếu TAG sẽ tăng lên gần 40.000 đồng.
Tên nhà đầu tư |
Cổ phần MWGđượcphát hành |
Cổ phần TAG đăng ký bán |
Nojima Corporation |
2.010.706 |
7.679.488 |
Trần Xuân Kiên |
1.475.425 |
5.636.079 |
Đỗ Thị Thu Hường |
1.392.598 |
5.321.497 |
Phạm Ngọc Thanh |
436.385 |
1.667.793 |
Đỗ Thị Kim Liên |
383.845 |
1.463.846 |
Trần Thị Vân Trang |
255.279 |
974.934 |
Hoàng Anh Tuấn |
136.602 |
520.194 |
Nghiêm Xuân Thắng |
50.067 |
191.389 |
Bùi Xuân Hùng |
40.177 |
153.486 |
Trong báo cáo công bố cuối năm 2017, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) đã dự báo về cách thức thâu tóm này.
Theo đánh giá của HSC, việc thực hiện hoán đổi gián tiếp và nhận cổ phiếu MWG thay vì tiền mặt với các cổ đông của Trần Anh sẽ mang lại lợi ích lớn hơn. Lập luận này dựa theo đánh giá là mức giá bán cổ phần của cổ đông Trần Anh có thể cao nhưng con số trên chưa phản ánh hết dư địa tăng trưởng của chuỗi điện máy này. Đặc biệt khi các chỉ số tài chính đều cho thấy Trần Anh đã đánh đổi giữa lợi nhuận và tăng trưởng trong những năm gần đây.
Giai đoạn 2009 - 2012, lợi nhuận của chuỗi điện máy này đạt ổn định ở mức trên 40 tỷ đồng mỗi năm, dù số lượng siêu thị điện máy chỉ từ 2-4 siêu thị. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm sau đó khi công ty liên tục mở rộng hệ thống, lợi nhuận của Trần Anh đã giảm rất mạnh.
Năm 2013, Trần Anh mở thêm 6 siêu thị mới, nâng tổng số siêu thị điện máy lên con số 10, lợi nhuận trước thuế từ mức 42 tỷ năm 2012 giảm xuống chỉ còn 2 tỷ đồng. Những năm sau đó, kết quả kinh doanh của Trần Anh có chiều hướng cải thiện nhưng chỉ tương đương hơn một nửa so với giai đoạn 2009 - 2012.
Những cổ đông của Trần Anh, mà đặc biệt là gia đình Chủ tịch Trần Xuân Kiên, sẽ được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng của chuỗi điện máy này, khi kết quả kinh doanh của Trần Anh sẽ được phản ánh vào thị giá cổ phiếu MWG trong tương lai. Tuy nhiên, với các nhân viên (ở cấp quản lý) của Trần Anh thì lại không dù trước khi sáp nhập với Trần Anh, Thế Giới Di Động đã cam kết sẽ giữ lại khối nhân viên tại các siêu thị của Trần Anh.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới Di động, sau khi thương vụ sáp nhập hoàn tất, phần lớn nhân viên quản lý của Trần Anh khi phỏng vấn lại đều không đáp ứng được yêu cầu do không phù hợp với văn hóa của chuỗi siêu thị điện máy giữ thị phần lớn nhất Việt Nam.
Văn hóa trong quản lý là mâu thuẫn lớn nhất, theo ông Tài. Đây chính là vấn đề mà Thế giới Di động cần giải quyết là thay đổi văn hóa doanh nghiệp tại Trần Anh mà chính ông Nguyễn Đức Tài mới đây đã thừa nhận.
Việc thay đổi dù không phải trở ngại quá lớn, tuy nhiên điều này được dự báo sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của Trần Anh trong những tháng đầu năm 2018.
Theo báo cáo của một số công ty chứng khoán mới đây, chuỗi siêu thị điện máy được dự báo sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho Thế giới Di động trong năm 2018 do thị trường điện thoại đã tiến tới giai đoạn bão hòa, trong khi Bách Hóa Xanh vẫn chưa có quy mô đủ lớn.
Mặc dù chưa tính tới quá trình sáp nhập của Thế giới Di động và Trần Anh, tuy nhiên Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo doanh thu của chuỗi này có khả năng đạt gần 49.000 tỷ đồng và cao hơn 20% so với doanh thu của chuỗi Thế giới Di động.