Trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, cần thêm công cụ kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang trở thành kênh hút vốn đầu tư. Một số ý kiến cho rằng, để thị trường này trở thành kênh huy động vốn lành mạnh cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, cần sớm thành lập các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, xây dựng hệ thống thông tin tập trung, tích cực giám sát và thực hiện chế tài nghiêm ngặt với các vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Tiên Giang
Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Tiên Giang

Bộ Tài chính cho biết, sau 6 tháng triển khai các khung khổ pháp lý mới về TPDN, thị trường đã duy trì đà tăng trưởng và đạt một số kết quả tích cực.

Cụ thể, trong 6 tháng, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020. Bước đầu đã có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng, đây là tín hiệu tốt trên thị trường TPDN.

Tổ chức tín dụng là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 40,2% tổng khối lượng TPDN phát hành; khối lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành trong nửa đầu năm 2021 giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành. Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với cùng kỳ năm 2020 (9,5%/năm).

Công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường TPDN sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành; các tổ chức tín dụng chiếm 25% tổng khối lượng phát hành. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với năm 2020 (là 12,68%). Điều này cho thấy các quy định mới có tác động hạn chế nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có khả năng đánh giá rủi ro đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư này.

Bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường TPDN vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường nói chung.

Bộ Tài chính cho biết, có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối TPDN không đúng đối tượng cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đặc biệt, đối với nhà đầu tư mua trái phiếu, pháp luật quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ. Do đó, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua TPDN riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không... sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư, thậm chí có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu.

Bộ Tài chính cho biết, có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối TPDN không đúng đối tượng cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về TPDN của các tổ chức cung cấp dịch vụ để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: “Thực tế, có trường hợp nhà đầu tư mua trái phiếu mà không biết trái phiếu đó có được lưu ký không, họ ký vào một hợp đồng mua rất hời hợt. Để giảm thiểu rủi ro hay nói cách khác, để nhà đầu tư có công cụ kiểm soát rủi ro của khoản đầu tư TPDN, khung pháp lý hiện tại cùng những lời cảnh báo vẫn là chưa đủ”.

Theo ông Linh, trong thời gian tới, cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn việc thực thi các nghị định mới về TPDN, quy định rõ các hành vi vi phạm và nghiêm ngặt thực thi các chế tài xử lý. Bên cạnh đó, cần sớm phát triển mạnh các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, đây là công cụ hiệu quả để nhà đầu tư kiểm soát được rủi ro khi tham gia thị trường. Mặt khác, cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tập trung, cập nhật, dễ tra cứu về các lô phát hành, thông tin tổ chức phát hành. Hiện đã có chuyên trang thông tin TPDN nhưng thông tin vẫn hạn chế và thiếu hệ thống, khó tra cứu. Đồng thời, nên đẩy mạnh phát triển thị trường thứ cấp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc cần làm ngay là sớm thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, để nhà đầu tư biết mức độ rủi ro của khoản đầu tư. “Thị trường nào cũng có sản phẩm tốt và sản phẩm chưa tốt, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ mức độ rủi ro, từ đó phân tích theo khẩu vị rủi ro của mình để đầu tư. Đây cũng chính là điểm nghẽn cần tháo gỡ để thị trường TPDN có động lực tăng trưởng bền vững”, ông Lực nói.

Chuyên đề