Kỳ vọng sự lớn mạnh của thị trường vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để tạo dòng vốn bền vững, hỗ trợ hiệu quả cho chiến lược phát triển kinh tế trong thời gian tới, cần cải thiện thị trường từ nhiều mặt. Trong đó, tăng tính minh bạch, trả hoạt động huy động vốn của hầu hết các loại hình doanh nghiệp về với thị trường là giải pháp góp phần tăng cung hàng hóa chất lượng, qua đó hút vốn đầu tư vào thị trường.
Cần có cơ chế để doanh nghiệp nhà nước có thể gọi vốn từ thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: LTT
Cần có cơ chế để doanh nghiệp nhà nước có thể gọi vốn từ thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: LTT

Tại một cuộc hội thảo mới đây, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đặt câu hỏi: “Bao giờ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thăng hạng?”. Không có câu trả lời nào từ đại diện cơ quan quản lý nhà nước cho câu hỏi này. Riêng với thị trường trái phiếu chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính nhận xét: “Nhà đầu tư chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm”. Những ý kiến này cho thấy dù TTCK của Việt Nam đã có bước tiến tích cực trong thời gian qua, song vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo dòng vốn lành mạnh, bền vững cho nền kinh tế.

Bước tiến tích cực

Cùng với đà tăng của các chỉ số trên TTCK, giới phân tích nhận định, TTCK Việt Nam có triển vọng rất tích cực trong thời gian tới. Tại báo cáo triển vọng thị trường vốn Việt Nam mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam là thị trường đáng đầu tư hơn so với suy nghĩ của nhiều người.

Ngân hàng này không đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng thị trường cổ phiếu Việt Nam quá nhỏ. Bởi lẽ, số mã cổ phiếu có vốn hoá thị trường lớn hơn 5 tỷ USD hiện tại là 11, tăng hơn nhiều so với năm 2015 (2 mã). Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên năm 2020 là 430 triệu USD và gần đây đã lên đến gần 1 tỷ USD. Nếu so sánh với các thị trường khác trong khu vực như thị trường Philippines với 13 mã cổ phiếu có vốn hoá trên 5 tỷ USD, giá trị giao dịch mỗi phiên khoảng 228 triệu USD thì thị trường Việt Nam đáng để đầu tư.

Theo HSBC, từ năm 2015 đến nay, thị trường Việt Nam luôn tăng trưởng tốt hơn các chỉ số chính của khu vực. Bên cạnh đó, lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, giá cổ phiếu hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận tốt, đầu tư nước ngoài tăng, ngành ngân hàng tăng trưởng tốt, người tiêu dùng có sức mua tốt là những yếu tố góp phần giúp thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt trong dài hạn.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự hoàn thiện về chính sách trong thời gian gần đây, đà phát triển thị trường chững lại và có xu hướng bền vững hơn. Trong quý I/2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, giảm mạnh 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, lượng trái phiếu phát hành ra công chúng ghi nhận sự tăng trưởng tới 60% so với quý I/2020, đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn dẫn đầu về khối lượng phát hành, chiếm 40% thị trường, song đã giảm 60% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 8% tổng lượng phát hành trong 3 tháng đầu năm 2021, giảm mạnh so với mức 27% của cùng kỳ năm trước.

Còn nhiều việc phải làm

Đồng tình với đánh giá TTCK Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và triển vọng khả quan, song TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vẫn cần nhìn nhận rõ những điểm hạn chế để xác định giải pháp phát triển thị trường phù hợp.

Theo đó, những điểm hạn chế chủ yếu là mức huy động vốn qua TTCK còn thấp; hàng hóa trên thị trường còn kém đa dạng. Trong khi đó, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển TTCK trong bối cảnh mới.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, việc phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm là rất cần thiết. Bộ Tài chính sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 5 doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, hiện mới có gần 3% dân số tham gia TTCK, nên còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức do quy mô thị trường còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực, các sản phẩm còn ít và chưa đa dạng, tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao.

Để TTCK phát triển tích cực trong thời gian tới, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện là quyết liệt thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường. Các hướng cần xem xét thực hiện như: Triển khai Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ...

Riêng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Tú Anh cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm tính minh bạch, khả năng đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển những tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp, tin cậy.

Từ góc độ khác, theo ông Cấn Văn Lực, cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023.

Về nội dung nâng hạng thị trường, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, ngành chứng khoán sẽ tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK gắn với phát triển bền vững, minh bạch. Doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin, làm quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực TTCK, là cái gốc của nâng hạng thị trường.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, sự phát triển của thị trường đang dần theo xu hướng ổn định, bền vững. Tuy nhiên, để thị trường tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, việc phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm là rất cần thiết.

Liên quan nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Quyết định số 570/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định các trường hợp doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện. Song đến nay, mới có 2 doanh nghiệp của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Bộ Tài chính sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 5 doanh nghiệp. Cơ quan này cũng đã nhận được đề nghị quan tâm của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín và sẽ xem xét, thẩm định theo đúng quy định của pháp luật.

Việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng là cơ sở để các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm theo hướng phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng và trái phiếu doanh nghiệp không được xếp hạng, qua đó khuyến khích các tổ chức tài chính nêu trên ưu tiên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm tốt.

Để thị trường vốn phát triển, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Một trong những việc cần làm ngay là trả hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp về với thị trường vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Thực tế, có doanh nghiệp nhà nước đã được xếp hạng tín nhiệm - tức là đủ sức gọi vốn từ TTCK, nhưng vẫn vay vốn của Nhà nước. Do đó, cần có cơ chế tạo điều kiện để không chỉ công ty cổ phần mà doanh nghiệp nhà nước cũng có thể huy động vốn trên thị trường”.

Chuyên đề