TP.HCM: Văn Phú - Bắc Ái đúng hay sai khi ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng đất công?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án BT đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Cầu vượt Gò Dưa, quận Thủ Đức thuộc Dự án Đường vành đai 2, do Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái triển khai thi công đã phải tạm ngưng từ tháng 3/2020 đến nay. Giữa lúc Dự án chưa hoàn thành, việc Văn Phú - Bắc Ái ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng khu đất 132 Đào Duy Từ, Phường 6, Quận 10, TP.HCM, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Hiện trạng khu đất 132 Đào Duy Từ, Phường 6, Quận 10, TP.HCM
Hiện trạng khu đất 132 Đào Duy Từ, Phường 6, Quận 10, TP.HCM

Tiến độ dự án chậm do đâu?

Ngày 25/11/2016, UBND TP.HCM ký Hợp đồng BT số 6827/HĐ-UBND với liên danh nhà đầu tư, gồm Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest - Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái để triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức) theo hình thức BT với chiều dài 2,751 km. Giá trị hợp đồng là 2.765 tỷ đồng, bao gồm 944 tỷ đồng giá trị dự án BT và 1.821 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Để thanh toán cho hợp đồng này, UBND TP.HCM dự kiến sẽ dùng 5 khu đất để thanh toán chi phí cho nhà đầu tư gồm: Khu đất số 234 Lý Tự Trọng, Quận 1 (643 m2); khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh (7.200 m2); khu đất 582 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân (12.240 m2); khu đất 132 Đào Duy Từ, Quận 10 (10.618,5 m2); khu đất 12 Kỳ Đồng, Quận 3 (940 m2) và khu đất 42 Trương Định, Quận 3 (807 m2). Từ tháng 3/2020 đến nay, Dự án đã tạm ngưng thi công.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 14/2/2022, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái xác nhận, đến nay Dự án triển khai thi công đạt sản lượng 447,940 tỷ đồng, tương đương 43,79% tổng dự án; công tác giải phóng và đền bù GPMB hiện đã hoàn thành xong 91,45%. Trước khi tạm ngưng, Công ty đã triển khai thi công hết công địa với những mặt bằng đã tiếp nhận từ địa phương đủ diện tích bố trí thi công. Dự kiến tiếp tục thi công khi có mặt bằng đủ công địa.

Theo lý giải của Công ty, nguyên nhân chậm tiến độ GPMB do nhiều yếu tố. Về phía người dân, trong quá trình thực hiện công tác đền bù, GPMB, một số hộ chưa đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, nhiều trường hợp tranh chấp, khiếu kiện kéo dài khiến cho công tác thi công chưa được hoàn thiện.

Về chủ chương chính sách, trong quá trình triển khai, các yếu tố về sự thay đổi chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh đất đai, đền bù GPMB cũng làm kéo dài tiến độ của Dự án như: Chính sách xác định đơn giá để tính bồi thường, hỗ trợ đối với cơ sở tôn giáo; Chính sách hỗ trợ nhà ở, vật kiến trúc của hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy phép xây dựng tạm theo Quyết định 04/2006-QĐ-UBND ngày 17/1/2006 của UBND TP.HCM...

Thời gian qua, phía UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Dự án, giải quyết các thủ tục vướng mắc về đền bù GPMB và các thủ tục điều chỉnh dự án theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 7/12/2021 của Ban Quản lý công trình giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy, công tác bồi thường GPMB tại Dự án chỉ mới đạt 334/468 hồ sơ.

Vẫn theo báo cáo trên, việc chậm giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư và nhà đầu tư tạm ngưng thi công sẽ gây kéo dài thời gian thi công hoàn thành công trình và làm phát sinh lãi thực hiện dự án BT. Theo báo cáo của nhà đầu tư, giá trị lãi vay ước tính mà UBND TP.HCM sẽ phải chịu tới thời điểm hiện tại là 232 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 10 tỷ đồng.

Ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng khu đất 132 Đào Duy Từ là đúng hay sai?

Do dự án thi công đang tạm ngưng, nên khi thông tin về việc Văn Phú - Bắc Ái ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất khu đất hơn 10.600 m2 ở 132 Đào Duy Từ, Phường 6, Quận 10, TP.HCM với giá 370 tỷ đồng cho bên thứ 3 là Công ty TNHH Joming được dư luận rất chú ý.

Cụ thể, tháng 3/2017, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái có ký kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất nói trên với giá 370 tỷ đồng cùng các nội dung về việc hợp tác phát triển dự án trên khu đất 132 Đào Duy Từ sau khi được giao đất. Việc định giá khu đất với giá trị 370 tỷ đồng, theo Văn Phú – Bắc Ái, là một con số áng chừng ở thời điểm năm 2015.

Trả lời về việc đúng hay không đúng quy định pháp luật khi ký kết hợp đồng này, ông Trần Đức Thắng cho rằng, hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là loại hợp đồng khung, có giá trị thời điểm và thể hiện ý chí, định hướng thoả thuận cơ bản ban đầu về việc mua bán giữa các bên, ở đây là quyền sử dụng đất để làm căn cứ cho những giao dịch cụ thể sau này và có thể thay đổi tùy theo thời điểm giao dịch thực tế trong những phụ lục hợp đồng. Hiện nay, Văn Phú - Bắc Ái vẫn chưa được bàn giao quyền sử dụng khu đất này, tức hợp đồng nguyên tắc này chưa và không thể thực hiện, nên không thể nói là Văn Phú - Bắc Ái đã “chuyển nhượng” hay “ bán dự án” được.

Trong một văn bản gửi đến các cơ quan báo chí, Văn Phú - Bắc Ái cho biết thêm, theo nguyên tắc thanh toán hợp đồng BT, việc thanh toán giá trị hợp đồng BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị hợp đồng và quỹ đất thanh toán. Thời điểm thanh toán là thời điểm UBND TP.HCM ban hành quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quỹ đất thanh toán cho bên B bằng quỹ đất trong Danh mục các khu đất, khoản lãi vay đối với phần vốn thanh toán và tương ứng với giá trị khu đất đã có quyết định giao đất. Giá trị tiền sử dụng đất của từng khu đất sẽ được xác định tại thời điểm ban hành quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được xác định dựa trên giá trị trường tại thời điểm giao đất theo đúng quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Văn Phú - Bắc Ái và UBND TP.HCM đang điều chỉnh và ký kết phụ lục hợp đồng, thanh toán cho Nhà đầu tư để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ, đưa Dự án sớm về đích, tránh đình trệ kéo dài. Riêng việc liên quan đến những thông tin phản ánh nói trên, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cũng cần có thông tin chính thức để dư luận được rõ.

Chuyên đề