TP.HCM đã có những cách thức vận dụng để tạo ra nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó phải kể đến cách thức đổi đất lấy hạ tầng. Ảnh: Tường Lâm |
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, đổi đất lấy hạ hầng hiểu một cách cụ thể là các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở hạ tầng, sau đó được TP.HCM đổi đất ở những nơi khác hoàn toàn không liên quan gì đến dự án hạ tầng, như dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài chẳng hạn.
Đây là giải pháp cần phải làm đối với Thành phố trong điều kiện “cái khó ló cái khôn”, tuy nhiên, trên thực tế đây là cách thức “hàng đổi hàng” với hai lần không minh bạch. Vì, thứ nhất, rất khó để kiểm soát được chi phí xây dựng theo các dạng xây dựng chuyển giao. Thứ hai, rất khó định giá được giá trị các mảnh đất được chuyển giao theo giá thị trường khi mà chỉ có hai bên đàm phán trực tiếp chứ không qua đấu thầu chính thức.
Cùng với đó, mô hình công ty phát triển đô thị và đơn vị huy động vốn đặc biệt phát triển đô thị đã được triển khai ở TP.HCM. Thế nhưng, kết quả trên thực tế đã không như mong đợi. Do vậy, thời gian tới TP.HCM cần xem xét có các chính sách để Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng như các đơn vị tương tự có sự chủ động và thẩm quyền lớn hơn trong việc huy động các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu phát triển hạ tầng thiết yếu của TP.HCM.
Ngoài ra, TP.HCM cần tìm hiểu và đề xuất hay đưa ra sáng kiến về các hình thức khai thác giá trị từ đất trong quá trình chuyển đổi bao gồm thuế bất động sản, thuế cải thiện và phí phát triển. Đây là những cách thức huy động nguồn lực địa phương rất phổ biến trên thế giới nhưng chưa có ở Việt Nam. Nếu các hình thức huy động nguồn vốn này được áp dụng thì khả năng cao sẽ là một nguồn “được giữ lại” rất dồi dào và ổn định.