Tuyến vành đai 3 là dự án huyết mạch mang tính chiến lược, các địa phương có dự án đi qua đã thống nhất đề nghị dùng vốn đầu tư công và kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách hơn 83.000 tỷ đồng. |
Trong báo cáo này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, giai đoạn 1 đường Vành đai 3 có tổng mức đầu tư khoảng 83.290 tỷ đồng; trong đó chi phí mặt bằng hơn 46.970 tỷ đồng. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An là bốn địa phương có dự án đi qua.
Nguồn vốn khổng lồ, nhưng nên đầu tư bằng ngân sách
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 gồm 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên và có độ dài 90 km. Dự án dự kiến giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh.
Đến nay, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được các địa phương và bộ, ngành góp ý. Theo quan điểm, việc đầu tư xây dựng tuyến đường này là cần thiết trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trước đó, nội dung tổng hợp từ các ý kiến đóng góp từ các địa phương có tuyến Vành đai 3 đi qua, đã được Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi đến Ủy ban nhân dân TP.HCM để chuẩn bị báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu cũng như phương án đầu tư đường Vành đai 3. Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2022 sắp tới.
Vấn đề được đặt ra là nguồn vốn khổng lồ của dự án. Quan điểm chung của các địa phương là, để đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cụ thể là hợp đồng BOT, sử dụng nguồn vốn ngân sách của các địa phương (vốn đối ứng) để giải phóng mặt bằng là rất khó khăn, khó có thể thực hiện trong giai đoạn này.
Cụ thể, thời gian hoàn vốn cho dự án (29 năm) kéo dài và khó hấp dẫn nhà đầu tư, tính khả thi chưa cao. Chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành của dự án rất lớn, trong khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An chưa thể cân đối vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An từng kiến nghị Trung ương bố trí hỗ trợ ngân sách để đầu tư xây dựng tuyến đường huyết mạch này. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trường hợp yêu cầu các địa phương bố trí vốn đầu tư, Quốc hội cần cho phép một số cơ chế đặc thù để các địa phương có thể huy động nguồn vốn làm dự án. Ví dụ như phát hành trái phiếu chính phủ cho các địa phương có dự án đi qua vay lại. Dư nợ của việc phát hành trái phiếu hoặc khoản vay lại không tính vào hạn mức bội chi của ngân sách địa phương.
Đấu giá quyền sử dụng đất dọc tuyến đẻ thu hồi vốn
TP.HCM đề xuất phương thức trả nợ bằng nguồn thu đấu giá quyền sử dụng quỹ đất có liên quan dọc tuyến, theo thẩm quyền TP.HCM, và các nguồn vốn hợp pháp khác; hoặc cho phép đấu giá quyền thu phí sau khi hoàn thành dự án tạo nguồn thu ngân sách để trả nợ.
Báo cáo cũng đề xuất cho phép các địa phương này sử dụng ngân sách của địa phương để bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đầu tư các hạng mục thuộc dự án Vành đai 3; bởi vì đây là tuyến đường có liên vùng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Phần dự kiến kinh phí này không tính trong hạn mức đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Văn Thành với lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An về chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 3, Vành đai 4 tại TP.HCM, vào cuối tháng 12/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã cho rằng, thực hiện dự án Vành đai 3 bằng đầu tư PPP không khả thi, và đề xuất được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách.
Tại cuộc họp quan trọng này, người đứng đầu chính quyền Thành phố nhận định, đầu tư cho Vành đai 3 mang lại hiệu quả rất cao. Ông Phan Văn Mãi nói: “Đường Vành đai 3 là tuyến đường huyết mạch, không chỉ thúc đẩy phát triển cho từng địa phương mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu được thì ngân sách đầu tư toàn bộ cho Vành đai 3, nhưng nếu khó khăn thì phân chia tỷ lệ”.
Trước đó, các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã thống nhất đề nghị cho chuyển sang đầu tư bằng ngân sách và đồng kiến nghị hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để đầu tư giai đoạn 1 của dự án, ước khoảng 83.290 tỷ đồng.
Trong trường hợp Trung ương chưa thể cân đối và bố trí được toàn bộ số tiền 83.290 tỷ đồng theo đề xuất, các địa phương này kiến nghị trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí cho phần giải phóng mặt bằng, dự kiến khoảng 46.970 tỷ đồng. Các địa phương sẽ ngồi lại tính toán phương thức đầu tư phù hợp.
Sau đó, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho biết thống nhất với đề xuất của TP.HCM làm Vành đai 3 bằng vốn đầu tư công.
Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (có dự án đi qua) có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.
Theo quy hoạch, dự án đường Vành đai 3 có chiều dài 89 km đi qua địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 197 km đi qua địa bàn các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Đến nay, sau gần 10 năm được phê duyệt quy hoạch, đường vành đai 3 mới chỉ xây dựng được 16,3 km, trong khi đường vành đai 4 chỉ mới hoàn thành xây dựng được 11 km.