TPHCM: Đấu giá quỹ đất hai bên đường để lấy vốn làm hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Thiếu vốn đang là “nút thắt” lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách về quá tải hạ tầng giao thông.
Quốc lộ 13 từ TPHCM đi Bình Dương mặc dù đã có kế hoạch mở rộng cách đây 20 năm nhưng hiện vẫn… nằm trên giấy vì thiếu vốn
Quốc lộ 13 từ TPHCM đi Bình Dương mặc dù đã có kế hoạch mở rộng cách đây 20 năm nhưng hiện vẫn… nằm trên giấy vì thiếu vốn

Loay hoay tìm nguồn vốn

Trong 10 năm tới, TPHCM cần khoảng 970.654 tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông. Trong đó, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với số vốn gần 100.000 tỉ đồng đang được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đề xuất lập chủ trương đầu tư trong năm 2021.

Nếu chỉ nhìn vào đề án, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM thì sẽ nhìn thấy một bức tranh khá lạc quan. Tuy nhiên, nhìn vào điều kiện thực tế, đặc biệt là tình hình đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2015-2020 vừa qua, sẽ cho một cái nhìn khá bi quan.

Trong cả giai đoạn 2015-2020, vốn dành cho giao thông ở TPHCM chỉ hơn 50.000 tỉ đồng, trong đó, vốn dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã chiếm đến 50%.

TPHCM đối diện áp lực lớn về hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ

TPHCM đối diện áp lực lớn về hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ

Theo Sở GTVT TPHCM, do nguồn vốn ngân sách TPHCM đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế, dẫn đến tiến độ đầu tư, nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng theo quy hoạch, kế hoạch đề ra.

Ở giai đoạn 2017-2020, tỉ lệ ngân sách giữ lại của TPHCM hàng năm giảm mạnh từ 23% xuống 18%, dẫn đến vốn cho các công trình giao thông trọng điểm gặp nhiều trở ngại. Chưa kể một số dự án do Bộ GTVT đầu tư ở địa bàn thành phố như Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành... đến nay chưa có, khiến giao thông TPHCM càng trở nên bức bí.

Việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước cũng còn nhiều hạn chế và khó khăn nhất định. Cụ thể, nguồn vốn ODA với các chính sách ưu đãi về vốn vay (lãi suất và thời gian trả vốn và lãi vay) đang dần bị thu hẹp do sự tăng trưởng về kinh tế và thu nhập bình quân đầu người.

Thời gian qua, việc triển khai thu hút vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chủ yếu thông qua các hình thức hợp đồng BOT, BT cũng gặp nhiều vướng mắc về pháp lý. Hiện, quỹ đất của TPHCM cũng hạn hẹp, không còn nhiều dư địa để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng.

Tiền đâu để làm?

Mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 từ 18% lên 23%.

Theo ông Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố để có thêm nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông liên vùng là rất cần thiết. Khi đó, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ của TPHCM mà còn của cả khu vực phía Nam, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Cho rằng việc đầu tư hạ tầng giao thông bằng ngân sách Nhà nước là quan trọng, song ở góc nhìn khác, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khẳng định cần tính đến các nguồn vốn khác.

Theo ông Sơn, thành phố có thể khai thác các quỹ đất dọc theo các tuyến đường mới được mở như cao tốc, vành đai, metro. Khi thành phố kêu gọi đầu tư một tuyến đường nào nó, trong quá trình lập quy hoạch, có thể giải phóng mặt bằng rộng hơn để tạo quỹ đất dọc hai bên. Sau đó, tổ chức đấu giá khu đất cho nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư có thể tính toán được lợi nhuận có được và sẵn sàng bỏ vốn ra đấu giá khu đất đó, Nhà nước thu được nhiều tiền hơn về cho ngân sách để quay lại đầu tư cho hạ tầng” - ông Sơn nói.

Mới đây, tại buổi làm việc với bộ ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm khép kín tuyến Vành đai 3 và 4 TPHCM, khi thấy các địa phương đều kiến nghị bố trí vốn ngân sách Trung ương cho dự án, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, nếu làm theo phương thức cũ, tư duy bao cấp chờ vốn ngân sách sẽ rất khó xong đường Vành đai 3, 4.

Để có vốn đầu tư cho dự án, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các địa phương cần quy hoạch và khai thác quỹ đất 2 bên đường để đấu giá thu tiền phục vụ lại dự án. Ngoài ra, các địa phương cần nghiên cứu các quỹ nhàn rỗi, quỹ dự trữ, quỹ bảo hiểm xã hội đang dư; hoặc có thể phát hành trái phiếu Chính phủ, địa phương, vay ODA… cho địa phương vay để làm dự án.

Chuyên đề