Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Nhiều quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 50%
Từ đầu năm đến nay, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước đã giao cho Thành phố (TP) trong năm 2017 là 26.183 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/7/2017, tổng số vốn TP đã giải ngân là 13.214 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương đạt tỷ lệ giải ngân thấp nhất, chỉ 22%; vốn ODA do Trung ương cấp phát đạt tỷ lệ giải ngân 71,9%; vốn ngân sách thành phố đạt tỷ lệ giải ngân 50,8%.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Trần Thị Bình Minh cho biết, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã giao cho TP trong năm 2017 là 3.282,130 tỷ đồng. TP.HCM đã giao kế hoạch đầu tư công (đợt 1) là 18.866 tỷ đồng (đạt 75% so với kế hoạch đã được HĐND TP thông qua). Vốn tập trung bố trí cho các chương trình đột phá đã được Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X thông qua. Trong 7 chương trình đột phá của TP, Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP được giao 2.959 tỷ đồng, giải ngân được 1.302 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 44%. Riêng Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị có kế hoạch vốn 211 tỷ đồng, giải ngân được 139 tỷ, đạt tỷ lệ cao nhất là 66%...
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP.HCM, qua phối hợp với Kho bạc Nhà nước, TP đã rà soát tình hình thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư. Tính đến hết ngày 31/7/2017 và báo cáo danh sách tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư cho thấy, tỷ lệ này cũng rất thấp. Cụ thể, khối quận/huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 50% là 7 đơn vị; trên 50% có 17 đơn vị. Khối sở, ngành, tỷ lệ giải ngân dưới 50% có đến 14 đơn vị chủ quản; trên 50% có 24 đơn vị chủ quản. Các quận Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Hóc Môn có tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa đến 50%.
Chất lượng công tác đấu thầu ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công
Theo đánh giá của đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM đạt thấp là do thực hiện chưa tốt công tác đấu thầu. “Hiện nay, Luật Đấu thầu và các Nghị định hướng dẫn có liên quan đã phân cấp mạnh cho chủ đầu tư gắn liền với trách nhiệm, giúp cho các chủ đầu tư chủ động hơn trong việc thực hiện và quyết định các nội dung của quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp về đấu thầu ở một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát chưa đồng đều dẫn đến chất lượng của hoạt động đấu thầu chưa đảm bảo”, Sở KH&ĐT TP.HCM đánh giá.
Phân tích của Sở KH&ĐT TP.HCM nêu rõ, một số chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác lập, trình, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để định hướng cho toàn bộ quá trình đấu thầu. Đặc biệt là công tác phân chia gói thầu, áp dụng hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu, phân bổ dự phòng phí cho các gói thầu, thay đổi thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu… đã dẫn đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, nhân lực thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của các đơn vị chủ đầu tư và đơn vị chủ quản còn ít, chủ yếu kiêm nhiệm nên còn nhiều hạn chế trong quá trình quản lý dự án. Đó là chưa kể, công tác điều hành của chủ đầu tư còn thiếu kiên quyết và chưa phát huy hết vai trò, thiếu sự phối hợp giữa nhà thầu - tư vấn giám sát - tư vấn thiết kế để xử lý kịp thời những thay đổi, điều chỉnh thiết kế, giải quyết khó khăn, vướng mắc trên công trường. Còn không ít trường hợp chủ đầu tư thiếu kiên quyết đề xuất các biện pháp chế tài thích đáng để ngăn ngừa, thậm chí loại trừ những nhà thầu thiếu năng lực.
Từ những nguyên nhân trên, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để đạt được tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của TP năm 2017 đạt 100% là nhiệm vụ cấp bách. TP.HCM sẽ ưu tiên đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tăng cường chất lượng công tác đấu thầu. TP cũng tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án, có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. “Phải kiên quyết loại ra các nhà thầu không có năng lực đã vi phạm để thay thế bằng những nhà thầu xứng đáng hơn”, ông Tuyến khẳng định.