TP.HCM: Bức tranh đấu thầu nhiều gam màu

(BĐT) - Năm 2015, TP.HCM có hơn 8.000 gói thầu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, với tổng giá trị được duyệt gần 28,6 nghìn tỷ đồng, đã đem đến bức tranh đấu thầu sôi động, nhiều màu sắc.
TP.HCM gặp khó trong triển khai các gói thầu chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi
TP.HCM gặp khó trong triển khai các gói thầu chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

Tiết kiệm hơn 44% qua đấu thầu các gói thầu ODA

UBND TP.HCM cho biết, năm 2015, Thành phố đã thực hiện 8.254 gói thầu được đầu tư bằng nguồn ngân sách với tổng giá gói thầu được duyệt là 28.596,752 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 24.779,769 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 3.800 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 13,35%.

Cũng trong năm qua, Thành phố có 47 gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Trong đó có 2 gói thầu thuộc các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, 16 gói thầu thuộc dự án nhóm A, 27 gói thầu thuộc dự án nhóm B và 2 gói thầu thuộc dự án nhóm C. Điều đáng chú ý là tổng giá trị được duyệt của 47 gói thầu trên là hơn 5.310 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là gần 2.936 tỷ đồng, tiết kiệm qua đấu thầu được gần 2.357 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm tương đương 44,38%. Đây là điểm sáng tích cực nhất trong bức tranh đấu thầu của Thành phố năm 2015.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong năm 2015, Thành phố giao tổng kế hoạch nguồn vốn ngân sách là 21.028 tỷ đồng. Các dự án ODA được đẩy nhanh tiến độ thực hiện nên Thành phố giao thêm vốn hỗ trợ phát triển chính thức 3.852 tỷ đồng. Do vậy, tổng kế hoạch vốn Thành phố đã giao là 24.881,578 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác đấu thầu, UBND TP.HCM cho rằng: Các Sở, ban, ngành, quận, huyện và các chủ đầu tư trên địa bàn đã nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong công tác đấu thầu đối với các dự án thuộc phạm vi được phân công. Qua đó, các chủ đầu tư đã lựa chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia thực hiện các dự án, góp phần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của Thành phố.

Nhiều tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ

UBND TP.HCM cho biết, tính chuyên môn, chuyên nghiệp về đấu thầu chưa đồng đều và còn hạn chế ở một số chủ đầu tư. Pháp luật đấu thầu hiện hành phân cấp mạnh cho chủ đầu tư gắn liền với trách nhiệm, giúp cho các chủ đầu tư chủ động hơn trong việc thực hiện và quyết định các nội dung của quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, năng lực chuyên môn của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát còn hạn chế, dẫn đến chất lượng của hoạt động đấu thầu chưa được đảm bảo.

UBND TP.HCM kiến nghị cần có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn khi đấu thầu các gói thầu xây lắp có giá trị không quá 5 tỷ đồng… để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và bên mời thầu thực hiện công tác đấu thầu hiệu quả hơn.
Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2015 của TP.HCM cũng cho thấy, chất lượng của một số công việc chuẩn bị cho đấu thầu vẫn còn bất cập. Cụ thể, một số chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác lập, trình và phê duyệt kế hoạch đấu thầu – công tác định hướng cho toàn bộ quá trình đấu thầu. Một số hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chất lượng còn thấp, tiêu chí chưa rõ ràng; vẫn còn tình trạng hồ sơ do các đơn vị tư vấn lập để chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt không đạt yêu cầu, có nhiều sai sót…

UBND TP.HCM cũng cho biết, tại một số gói thầu, năng lực, kinh nghiệm của các cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có chuyên môn chính trong lĩnh vực khác với tính chất của gói thầu nên ảnh hưởng đến chất lượng chấm thầu. Việc nghiên cứu, cập nhật văn bản pháp lý về đấu thầu còn hạn chế…

Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, UBND TP.HCM cho rằng, việc xác định doanh nghiệp loại nhỏ, siêu nhỏ căn cứ vào số lượng lao động và tổng nguồn vốn của doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt là đối với các nhà thầu không có báo cáo kiểm toán của đơn vị kiểm toán độc lập đến thời điểm đánh giá hồ sơ dự thầu. Bên cạnh đó, năng lực của các nhà thầu nhỏ và siêu nhỏ (máy móc thiết bị, nhân sự, tài chính…) còn hạn chế, rất khó đáp ứng yêu cầu các tiêu chí của hồ sơ mời thầu. Do đó, trên thực tế chủ đầu tư thường phải hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị cần có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn khi đấu thầu các gói thầu xây lắp có giá trị không quá 5 tỷ đồng… để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và bên mời thầu thực hiện công tác đấu thầu hiệu quả hơn.

Chuyên đề