Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào hội trường diễn ra lễ nhậm chức ngày 7/5 - Ảnh: Tass/Reuters. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/5 tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo, trong sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nga, sự đối đầu gia tăng với phương Tây, và một nền kinh tế đang đối mặt không ít thách thức.
Trong buổi lễ nhậm chức diễn ra tại hội trường Andreyevsky thuộc điện Kremlin, ông Putin đặt tay lên cuốn Hiến pháp Nga, tuyên thệ sẽ phục vụ nhân dân Nga, bảo vệ các quyền của người dân và bảo vệ chủ quyền của nước Nga - Reuters đưa tin.
Nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư của ông Putin bắt đầu hai tháng sau cuộc bầu cử mà hơn 70% cử tri Nga bỏ phiếu cho ông.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Putin nói rằng 6 năm tới đây, nước Nga sẽ chứng tỏ được sức mạnh quốc gia trên trường quốc tế dựa trên sức mạnh quân đội, đồng thời tuyên bố sẽ nỗ lực cải thiện đời sống cho người dân.
"Đảm nhiệm cương vị này, tôi cảm nhận được một trách nhiệm lớn lao", ông Putin nói trước các quan khách tham dự buổi lễ, bao gồm các quan chức cấp cao của Nga và thượng khách nước ngoài, bao gồm cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder.
"Mục tiêu của cuộc đời tôi và công việc tôi là phụng sự nhân dân và tổ quốc", ông nói.
Ông Putin di chuyển từ văn phòng của ông tới nơi diễn ra buổi lễ nhậm chức bằng một chiếc xe limousine do Nga sản xuất. Truyền hình quốc gia Nga tuyên bố kể từ nay, chiếc xe limousine này sẽ thay thế cho đội xe nhập khẩu mà nhà lãnh đạo Nga vẫn sử dụng.
Sau khi ông Putin nhậm chức, tâm điểm chú ý sẽ chuyển sang người được ông Putin đề cử làm Thủ tướng Nga nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu ông đề cử đương kim Thủ tướng Dmitry Medvedev tiếp tục giữ vị trí này, đây sẽ là một tín hiệu rằng các chính sách hiện tại sẽ được duy trì.
Ngược lại, nếu ông Putin đề cử một Thủ tướng mới, thì động thái đó có thể sẽ mở đường cho cách tiếp cận mới trong chính sách, đồng thời sẽ làm dấy lên những đồn đoán rằng ông Putin đang bồi dưỡng một người kế nhiệm. Khi nhiệm kỳ Tổng thống này kết thúc vào năm 2024, quy định của Hiến pháp Nga không cho phép ông tranh cử lần nữa.
Giới ngoại giao nước ngoài dự báo sự đối đầu của Nga với phương Tây sẽ không giảm trong nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo của ông Putin. Căng thẳng đã gia tăng trong thời gian gần đây xung quanh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, xung đột ở Syria, và vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal ở Anh.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Putin đang nhận được tỷ lệ ủng hộ cao chưa từng thấy của người dân Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đang đối mặt nhiều thách thức.
Dưới sức ép của giá dầu giảm, đồng Rúp mất giá, lạm phát và lệnh trừng phạt, tiền lương tháng bình quân ở Nga đã giảm từ mức tương đương 867 USD vào năm 2013 xuống còn 553 USD vào năm ngoái.
Cùng trong năm 2017, nền kinh tế Nga, nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới, tăng trưởng trở lại sau thời gian suy thoái, với mức tăng 1,5%. Mức tăng này chưa đạt mục tiêu 2% mà Chính phủ Nga đề ra, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,5% đạt được vào năm 2007 - mức tăng cao nhất kể từ khi ông Putin nắm quyền.
Với nhiệm kỳ mới này, ông Putin sẽ sớm có thời gian cầm quyền lâu hơn nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev, người lãnh đạo Liên Xô trong 18 năm từ 1964-1982.