Việc lập kế hoạch đầu tư công năm 2023 phải triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải. Ảnh: Song Lê |
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2023 là năm giữa kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021 - 2025 và mục tiêu đầu tư công đến năm 2025. Việc lập kế hoạch đầu tư công năm 2023 phải đảm bảo các yêu cầu: đúng quy định pháp luật; xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc bố trí vốn phải theo đúng thứ tự ưu tiên. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2023.
Đối với dự án ODA, việc bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án.
Đối với các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí đủ toàn bộ vốn cho các nhiệm vụ, dự án trong năm 2023, bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.