Tinh thần quả cảm và trái tim nhân ái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghề báo trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước luôn đòi hỏi tinh thần dấn thân, đạo đức nghề nghiệp và tính nhân văn. Giờ đây, báo chí Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt mới với những cuộc chuyển mình mạnh mẽ. Người làm báo phải hiểu rõ để thích ứng với những đổi thay và tiếp tục chặng đường cống hiến, bảo vệ lẽ phải, vì sự phát triển bền vững của nước nhà.
Trong cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19, báo chí luôn là lực lượng tiên phong trên tuyến đầu. Ảnh: Danh Lam
Trong cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19, báo chí luôn là lực lượng tiên phong trên tuyến đầu. Ảnh: Danh Lam

Đó là chia sẻ của ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam với Báo Đấu thầu trong cuộc trò chuyện về chặng đường 95 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam. 

Gắn bó với nghề báo suốt 40 năm, trong dịp kỷ niệm 95 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, ông cảm nhận gì về đóng góp của người làm báo cho sự phát triển của đất nước?

Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1925, trước khi thành lập Đảng 5 năm, cho thấy Bác Hồ đã coi báo chí là vũ khí đặc biệt quan trọng của sự nghiệp cách mạng. Điều đó tiếp tục được thể hiện rõ trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.

Những năm sau này, qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới, kể cả cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19 hiện nay, báo chí luôn là lực lượng tiên phong trên tuyến đầu. Ở bất cứ lĩnh vực trọng yếu, nóng bỏng, quyết liệt và khó khăn, gian khổ nào, đều luôn có sự hiện diện và đóng góp tích cực của báo chí.

Vì thế, để hoàn thành được nhiệm vụ của mình, người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ và đặc biệt là luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp.

Công tác trong lĩnh vực báo chí 40 năm, điều mà tôi cảm nhận sâu sắc nhất, xúc động nhất là tinh thần dấn thân, sẵn sàng cống hiến, hy sinh của các thế hệ những người làm báo, trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tinh thần quả cảm và trái tim nhân ái ảnh 1
Ông Hồ Quang Lợi
Thời chiến, người ta có thể dễ dàng cảm nhận về sự dấn thân của người làm báo. Còn trong thời bình, theo ông, tinh thần ấy được thể hiện như thế nào?

Trong thời bình, vẫn có những cuộc chiến đấu âm thầm nhưng rất quyết liệt. Đó là cuộc đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ cái mới và chống lại tiêu cực, chống lại những gì cản trở con đường phát triển của đất nước. Điển hình là cuộc chiến chống tham nhũng - mặt trận không có tiếng súng nhưng đòi hỏi nhà báo tinh thần quả cảm, sự dấn thân, từ đó, sự cống hiến của nhà báo rất đáng trân trọng. Cùng với tính chiến đấu, báo chí còn phải có tính nhân văn. Tính chiến đấu và tính nhân văn phải luôn song hành, đan hòa trong các tác phẩm báo chí. Chẳng hạn, khi viết bài phê phán, người cầm bút phải đánh giá được sức lan tỏa, mức độ ảnh hưởng đến đối tượng được phản ánh và những người có liên quan. Phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, không nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất, kiên định bảo vệ công lý và lẽ phải nhưng luôn tôn trọng quyền con người, không lùi bước trước khó khăn, không bị mua chuộc và cám dỗ…

Tinh thần quả cảm và trái tim nhân ái là điều rất cần ở người làm báo. 

Trên mặt trận kinh tế, theo ông, báo chí đã có tinh thần dấn thân và truyền lửa để phục vụ sự phát triển của kinh tế đất nước như thế nào?

Báo chí có đóng góp rất quan trọng trong việc khẳng định đường lối đổi mới kinh tế của đất nước ta ngay từ những năm đầu thực hiện quá trình này. Từ đó, khích lệ những cách làm mới, những tấm gương điển hình tiên tiến. Để tiếp đó, sau những diễn đàn sôi nổi, những ý kiến phản biện tích cực, nhiều chính sách  ngày càng cụ thể và phù hợp được ban hành. Qua báo chí, chúng ta đã làm bừng lên một không khí đổi mới trên khắp mọi lối nẻo của hoạt động kinh tế, của toàn bộ đời sống xã hội.

Thành công của quá trình đổi mới đã và đang dày lên theo năm tháng. Sau 35 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã vươn lên tầm vóc mới như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến mạnh mẽ và báo chí cũng vậy. Ông nhìn nhận như thế nào về sự chuyển mình của báo chí?

Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng đang ở một cuộc chuyển mình chưa từng có với những cơ hội to lớn cũng như thách thức gay gắt. Nó đòi hỏi những người làm báo phải có cách nhìn đúng đắn để làm chủ chứ không phải bị cuốn theo một cách bị động trong sự chuyển mình đó.

Có nhiều vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, các kênh đa phương tiện trên Internet. Điều đó vừa tạo cơ hội cho báo chí song cũng đặt dấu hỏi lớn về vai trò của báo chí với xã hội. Nếu báo chí không khẳng định được vai trò với xã hội thì mạng xã hội sẽ thay chúng ta cung cấp thông tin, hoặc báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội.

Cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí cũng bung ra đến mức không chỉ các địa phương mà ngành nào, hội nào… cũng có cơ quan báo chí với nhiều ấn phẩm, chuyên trang... Quá nhiều tờ báo liên tiếp ra đời, các trang tin điện tử tăng nhanh chóng đã gây ra tình trạng lộn xộn nhất định. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống báo chí.

Do đó, cần nhìn cuộc chuyển mình của báo chí không chỉ từ vấn đề thời đại mà chính từ vấn đề nội bộ của ngành báo chí.

Điều đáng khích lệ là hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam cảm nhận thấy một thời đại thông tin, truyền thông mới đã bắt đầu và không ai có thể đứng yên. Nhiều cơ quan đã bắt đầu xây dựng tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện, từ đó, bồi dưỡng, rèn luyện người làm báo theo cách thức mới, phải đủ năng lực hành nghề và tác nghiệp trong môi trường mới.

Đến nay, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhìn chung là được thực hiện đúng kế hoạch, tuy vẫn còn những lúng túng, vướng mắc, còn nhiều việc cụ thể phải làm. Bởi đây là quá trình tác động đến nhiều người làm báo, do đó, tính nhân văn trong giải quyết công việc cũng là điều cần thiết.

Từ kinh nghiệm làm nghề và làm công tác quản lý báo chí, ông có lời khuyên gì với Báo Đấu thầu về định hướng phát triển trong giai đoạn mới để ngày càng gần gũi và thu hút bạn đọc hơn?

Tên gọi “Báo Đấu thầu” dễ làm nhiều người cảm nhận tờ báo chỉ liên quan một nhóm đối tượng nhất định, chứ không phải liên quan đến toàn xã hội. Song thực tế khi cầm tờ báo trên tay, với nội dung và số lượng trang đồ sộ mới thấy khả năng thu hút rất lớn của tờ báo.

Để phát triển tờ báo hơn nữa, đưa nội dung đến đông đảo bạn đọc hơn, theo tôi, cùng với việc giữ vững tôn chỉ mục đích hoạt động, cần mở rộng phạm vi tác động của vấn đề ra toàn xã hội. Hay nói cách khác, cần nhìn đấu thầu dưới góc độ xã hội nhiều hơn với cách thức thể hiện mới mẻ hơn, sống động hơn nữa.

Nếu làm được như vậy, tôi tin là Báo Đấu thầu sẽ có chỗ đứng ngày càng tốt trong lòng bạn đọc và trong đời sống xã hội.

Chuyên đề