Tín hiệu tích cực về môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6/2024, số doanh nghiệp (DN) đăng ký gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường phục hồi trở lại, mang đến gam màu sáng cho “bức tranh” đăng ký DN nửa đầu năm nay. Nhiều chuyên gia, DN tin tưởng hoạt động đăng ký kinh doanh sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm dù khó khăn, thách thức còn nhiều.
Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng trở lại nhờ sự phục hồi của nhu cầu thị trường thế giới. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng trở lại nhờ sự phục hồi của nhu cầu thị trường thế giới. Ảnh: Lê Tiên

Thêm yếu tố hỗ trợ phục hồi

Con số cập nhật về tình hình đăng ký DN tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024 của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, hoạt động gia nhập cũng như tái gia nhập thị trường của DN tiếp tục phục hồi. Tháng 6, cả nước có 15.724 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 143.017 tỷ đồng, tăng 13,1% về số DN và tăng 3,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 6, cả nước có 5/6 vùng kinh tế có số DN đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, có 7.532 DN quay trở lại thị trường, tăng 6,1% so với tháng 6/2023.

Tháng 6 cũng là tháng thứ 2 liên tiếp từ đầu năm đến nay có số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường. Tính chung 6 tháng đầu năm, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 119.612, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường (110.316).

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận: “Đây là thông tin tích cực, bởi 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường thấp hơn số DN rút lui khỏi thị trường”.

Theo bà Thảo, kết quả phát triển DN cũng phù hợp với thực tế sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2024. Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng trở lại nhờ dấu hiệu phục hồi của nhu cầu thị trường thế giới.

Cập nhật tình tình kinh tế địa phương trong nửa đầu năm 2024, một số tỉnh, thành như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội… dần hé lộ bức tranh kinh tế với nhiều chỉ số tích cực. Với Bắc Ninh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, số dự án đầu tư trong nước được cấp mới tăng gấp 2,8 lần, số dự án FDI mới tăng 2 lần so với nửa đầu năm ngoái. Với Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm thu hút được trên 430 triệu USD vốn FDI, vượt mục tiêu cả năm (400 triệu USD)…

Trong lĩnh vực dệt may, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết, những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường chủ lực như: Mỹ, EU, Nhật Bản phục hồi tốt. Đến nay, đơn hàng quý III của Công ty đã được lấp đầy.

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho hay, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Tập đoàn 5 tháng đầu năm 2024 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu xuất sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ…

Tại họp báo thường kỳ quý II vừa được Bộ Công Thương tổ chức, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Công Thương vui mừng cho biết, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm nay duy trì xu thế phục hồi tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 55/63 địa phương. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,1%, vượt kế hoạch (5,97 - 6,68%). Xuất khẩu tiếp đà phục hồi với kim ngạch 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD…

6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 119.612 doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Nhã Chi

6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 119.612 doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Nhã Chi

Đẩy mạnh “gỡ khó” cho doanh nghiệp

Dù tình hình hoạt động của DN có nhiều dấu hiệu tích cực, song Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong nửa đầu năm nay, cả nước vẫn còn 8/17 ngành kinh tế có số lượng DN đăng ký thành lập mới giảm như: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; nông, lâm nghiệp và thủy sản…

Nghiên cứu và theo dõi môi trường kinh doanh nhiều năm, bà Thảo nhìn nhận, khó khăn đối với DN vẫn còn hiện hữu. Môi trường kinh doanh còn nhiều lực cản, tình trạng quy định pháp luật không rõ ràng, mâu thuẫn, khác biệt chưa được khắc phục mặc dù đã được nhận diện và phản ánh nhiều lần, ở nhiều nơi, nhiều cấp độ. Thực tế này tạo tâm lý bất an đối với cán bộ thực thi cũng như DN và nhà đầu tư.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, các DN lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường thấp. Sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm mạnh.

Để gỡ khó cho DN vật liệu xây dựng, ông Nga cho rằng, trong điều kiện thị trường bất động sản còn trầm lắng, Chính phủ có thể tập trung xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông…, góp phần giải quyết khó khăn cho DN xi măng, bê tông, sắt thép.

Bên cạnh đó, việc Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản sớm có hiệu lực sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản, từ đó đưa thị trường vật liệu xây dựng bật tăng trở lại.

Về triển vọng nửa cuối năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, song hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ khả quan hơn nửa đầu năm khi đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, các chính sách hỗ trợ DN tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; nhiều tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu cũng như xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các yếu tố này có thể tạo động lực thúc đẩy DN gia nhập thị trường sôi động hơn.

Bà Thảo đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần thúc đẩy thực thi mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh được nhấn mạnh tại Nghị quyết 02 để hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, nắm bắt tốt hơn cơ hội kinh doanh…

Chuyên đề