Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối quý III/2024, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với đầu năm. Trong đó, phần dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tự sử dụng đạt 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 4,62%, cho thấy nhu cầu vay mua nhà của người dân đang tăng trở lại. Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.274.233 tỷ đồng (tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước).
Báo cáo tài chính quý III/2024 được các ngân hàng công bố mới đây cho thấy, tín dụng bất động sản có xu hướng tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn tại một số ngân hàng. Tại Techcombank, dư nợ tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản đến hết quý III/2024 đạt gần 210 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm nay và chiếm gần 35% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này. Tại VPBank, dư nợ tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản đến hết quý III/2024 là gần 165 nghìn tỷ đồng, tăng 43,5% so với đầu năm và chiếm gần 26% tổng dư nợ tín dụng. Tại Ngân hàng HDBank, dư nợ tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản đến hết quý III/2024 đạt 61,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm nay và chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng. Tại Ngân hàng Quân đội (MBBank), dư nợ tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản đến hết quý III/2024 đạt hơn 55 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm và chiếm 7,8% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này.
Hai ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản “tăng bằng lần” là Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Kiên Long. Theo đó, dư nợ tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản của VIB tăng 275%, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản (kinh doanh, tự sử dụng) của Ngân hàng Kiên Long tăng 172% so với đầu năm nay.
Theo một số chuyên gia, xu hướng tín dụng bất động sản tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay là điểm đáng chú ý trong bức tranh tín dụng chung. Bên cạnh tác dụng tích cực là hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tín dụng bất động sản tăng nhanh và chiếm trên 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế có thể làm giảm tỷ trọng nguồn vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời làm tăng rủi ro với hoạt động cấp vốn.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc, nhiều ngân hàng sẽ có xu hướng tăng tỷ trọng cho vay với lĩnh vực này. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản luôn là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro với hoạt động cấp vốn của ngành ngân hàng bởi phụ thuộc vào diễn biến khó đoán định của thị trường nhà đất. Ngân hàng có thể rủi ro về thanh khoản khi 80% vốn huy động là ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn theo các dự án bất động sản.
“Các cơn sốt nóng rồi nguội lạnh của thị trường bất động sản đã từng khiến nợ xấu ngân hàng tăng vọt, một số vụ đại án liên quan đến bất động sản trong những năm trước là bài học vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng bất động sản, cần phát triển các kênh huy động vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp và chú trọng kiểm soát rủi ro của tín dụng bất động sản”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III/2024, việc phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản đã tăng mạnh trở lại, chỉ đứng sau ngành ngân hàng với tỷ lệ khoảng 19% toàn thị trường trái phiếu, điều này cho thấy đây vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, giải trình trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng khá nhanh trong thời gian vừa qua và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. “Hệ thống ngân hàng huy động chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, trong khi nhu cầu cho vay của thị trường bất động sản lại là dài hạn, nên việc cân đối nguồn vốn, kỳ hạn rất quan trọng với các ngân hàng. Vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thường yêu cầu giá trị lớn, thời hạn dài, vì vậy cần phải được huy động từ nhiều kênh, trong đó vốn ngân hàng chỉ là một kênh”, bà Hồng nhấn mạnh.