“Tìm thuốc” vượt khó cho doanh nghiệp và nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2023 vừa được Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công bố nêu 4 cơ hội cho Việt Nam, gồm: các chính sách thúc đẩy kinh tế trong nước; Trung Quốc mở cửa trở lại; làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư; và các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.
VEPR đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng. Ảnh: Lê Tiên
VEPR đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng. Ảnh: Lê Tiên

Bên cạnh cơ hội, Nhóm nghiên cứu chỉ ra nhiều thách thức, như doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng lãi vay và sự eo hẹp của dòng tiền. Xung đột Nga - Ukraine vẫn là một ẩn số khó xác định cho kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ năm 2023. Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên chịu tác động không nhỏ khi thương mại quốc tế biến động.

Đánh giá về việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cơ bản đã phát huy hiệu quả. Chính sách hỗ trợ sử dụng công cụ tài khóa đã bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh, người yếu thế…

Hiện nay, theo TS. Nguyễn Tú Anh, tỷ giá đồng Việt Nam không phải là áp lực quá lớn, đã ổn định trở lại, dòng tiền dồi dào hơn, dự trữ ngoại hối tăng, thanh khoản của hệ thống được cải thiện. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm và neo lãi suất ở mức ổn định, do vậy áp lực lạm phát trên toàn cầu đã giảm mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã kéo giảm lãi suất cho vay. Tuy vậy, những chính sách cần có sự hỗ trợ thông qua bên thứ ba như chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội… vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. DN vẫn chưa thể tiếp cận chính sách hỗ trợ về lãi suất.

Cũng theo ông Tú Anh, ổn định kinh tế vĩ mô là bài học then chốt, đi chậm để đi xa. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ theo mục tiêu, ổn định hệ thống tài chính, không nên nới lỏng điều kiện cho vay để tránh gây rủi ro cho hệ thống tài chính.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới như hiện nay, năm 2023 khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6%, bởi xuất nhập khẩu tăng trưởng âm, niềm tin đầu tư và thị trường của DN sụt giảm... Kết quả khảo sát nhanh mới đây với 8.343 người lao động của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây với 31% lao động cho biết hiện không có việc làm.

Nhóm nghiên cứu VEPR đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023. Ở kịch bản thấp với khả năng chống chịu kém, GDP năm 2023 chỉ tăng 5,54% (quý III là 6,12%, quý IV là 6,87%). Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP đạt 6,01% (quý III là 7,24%, quý IV là 7,58%). Với kịch bản cao - nền kinh tế có khả năng chống chịu cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 sẽ là 6,51% (quý III là 8,12%, quý IV là 8,57%).

Về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo đạt 6,5%; Ngân hàng Thế giới (WB) là 6,3%, còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kém lạc quan hơn với mức 5,8%...

Trong điều kiện DN khát vốn và khó khăn kéo dài, việc giải ngân vốn đầu tư công được nhiều chuyên gia xem là “cứu cánh” cho tăng trưởng kinh tế 2 quý cuối năm. Do đó, Nhóm nghiên cứu của VEPR đề xuất, Quốc hội, Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm rút ngắn thời gian trong khâu thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư công đi liền với tốc độ giải ngân theo kế hoạch. Quyết liệt nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của bộ máy công quyền các cấp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thúc đẩy các chương trình nâng cao chất lượng DN, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Ngay lúc này, Chính phủ cần ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh thì mới mong 2 quý cuối năm đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng”, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, những vấn đề “nóng” mà DN và nền kinh tế đang phải đối mặt là điện năng, thị trường bất động sản, trái phiếu DN, lao động. “Cần làm rõ 4 vấn đề để có giải pháp trúng và đúng. Một là cơ chế, chính sách, định hướng phát triển có sai sót gì không, đầy đủ chưa, hay vấn đề nằm ở việc thực thi? Hai là cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, công nghệ, vốn cho DN. Ba là phát huy vai trò của chính quyền địa phương và các hiệp hội để gắn kết DN. Bốn là bản thân DN cũng phải chủ động chuyển dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Lực nêu.

Những khó khăn của nền kinh tế trong nước, theo nhiều chuyên gia, gắn chặt với kinh tế thế giới, do Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng qua các FTA, xuất khẩu lệ thuộc nhiều vào DN FDI… Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải chú trọng động lực tăng trưởng từ bên trong, khôi phục thị trường trong nước, phát huy nội lực của hệ thống DN nội địa, trong đó chú trọng tăng năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, tính liên kết và hiệu quả kinh doanh.

Chuyên đề