Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt gần 2% trong điều kiện tốt nhất. Ảnh: Hoàng Loan |
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ KH&ĐT, một loạt rủi ro trong ngắn và trung hạn, từ bên ngoài và trong nước là thách thức cho quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Theo NCIF, kinh tế quý IV/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, vì vậy tăng trưởng GDP năm 2021 được dự báo đạt gần 2% trong điều kiện tốt nhất. Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu, có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,8%. Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP được dự báo khoảng 5,8% và kịch bản tăng trưởng cao là 6,7%.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao và cho rằng Chương trình sẽ giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, nhất là trong 6 tháng tới; giúp kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp phục hồi và phát triển cùng thế giới.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương góp ý, Chương trình cần được thiết kế với quy mô đủ lớn, bao phủ đủ rộng (tới đối tượng là người lao động, doanh nghiệp…). Tuy nhiên, cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực dựa vào đóng góp, mức độ thiệt hại vì Covid-19, cũng như khả năng lan tỏa trong nền kinh tế sau khi được phục hồi. Ngoài ra, thời gian phải đủ dài và đủ quyết liệt trong thực thi. Về nguồn lực để thực hiện Chương trình, ông Thành cho rằng, cái khó nhất chưa chắc đã là tiền ở đâu, mà là đưa nguồn lực này vào đâu, thời điểm nào, thực thi ra sao cho hiệu quả.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, kích cầu tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ thị trường trong nước, cầu tăng sẽ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi. Ngoài ra, giảm chi phí, hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong dài hạn chứ không chỉ là phục hồi để sống sót. Cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp lâu dài, thiết thực, đôi lúc còn quan trọng hơn cả hỗ trợ tài chính được thực hiện trong thời gian ngắn.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Chương trình phải mang tính tổng thể, gắn với các mục tiêu phát triển dài hạn như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đề án cơ cấu lại nền kinh tế và các chương trình cải cách khác. Chương trình phục hồi kinh tế phải gắn chặt với chương trình phòng chống dịch.
Bàn về nguồn lực cho Chương trình, ông Võ Trí Thành gợi ý, chúng ta có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% thì sẽ có thêm 7 tỷ USD; có thể vay mượn trong nước, tổ chức quốc tế với điều kiện vay hiện đang tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, còn nhiều nguồn lực cần được tận dụng trước, đó là từ tiết kiệm chi thường xuyên; hoặc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực lưu ý, cần đánh giá lại các gói hỗ trợ Covid-19 hiện nay để thấy được cái gì làm chưa tốt, chưa nhanh, cái gì chưa làm được và nguồn lực vẫn còn rất nhiều ở những gói hỗ trợ chưa làm được. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cơ cấu lại, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (hàng năm nếu làm tốt thì công tác này thu về cho ngân sách nhà nước tới 40.000 tỷ đồng); huy động nguồn lực từ các quỹ ngoài ngân sách nhà nước, khơi thông nguồn lực từ đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giải tỏa ách tắc về tài chính. Hiện khoảng 2.000 dự án bất động sản đang ách tắc, cần sớm được tháo gỡ, từ đó tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.