Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Kết hợp công - tư
Nhu cầu đầu tư xây dựng bệnh viện là vấn đề bức thiết, cần nguồn vốn rất lớn. Nếu chỉ đầu tư công thì không có đủ nguồn lực. Đầu tư tư nhân hoàn toàn thì duy trì hoạt động của bệnh viện cũng không dễ. Theo ông Vũ Văn Hưng, cán bộ Vụ Kế hoạch đầu tư thuộc Bộ Y tế, nhiều bệnh viện tư nhân khó sống, những trường hợp thành công, tồn tại được đa phần là nhà đầu tư lớn, không chịu áp lực lợi nhuận.
Xã hội hóa đã được thực hiện trong nhiều năm như một hình thức kết hợp giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực y tế nói chung, xây dựng bệnh viện nói riêng. Thế nhưng, hình thức này đối với lĩnh vực y tế, theo chuyên gia của Liên hợp quốc, là tiềm ẩn nguy cơ tăng chi phí, thương mại hóa dịch vụ công, mất công bằng xã hội. Ngoài ra, một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, quy trình thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tư nhân chưa rõ ràng, chưa bảo đảm minh bạch, cạnh tranh; xã hội hóa cũng còn manh mún, chủ yếu được thực hiện thông qua việc đóng góp máy móc, thiết bị y tế tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, chưa chú trọng vào chất lượng dịch vụ và đầu tư xây dựng công trình...
Nhiều ý kiến cho rằng, PPP là sự lựa chọn hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay, vừa kết hợp khu vực công và tư, vừa khắc phục được một số hạn chế của xã hội hóa. Bộ Y tế cũng đã đề xuất danh mục gồm 9 dự án ưu tiên với tổng vốn đầu tư khoảng 18.550 tỷ đồng theo hình thức PPP.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hình thức PPP như một đòn bẩy để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước cho đầu tư hạ tầng y tế. Trong năm 2015 và 2016, UBND TP.HCM đã có chủ trương phê duyệt 7 dự án y tế theo hình thức PPP, trong đó có 4 dự án theo hình thức hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), 3 dự án BT (xây dựng - chuyển giao). 4 dự án theo hợp đồng BLT gồm: Xây dựng khu khám điều trị dịch vụ tại Khu 2 của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Đầu tư khối số 1 tại Khu C hiện hữu của Bệnh viện Nhi đồng 1; Đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Quận 5; Đầu tư xây dựng Bệnh viện Quận 7. 3 dự án BT là Đầu tư nâng cấp Bệnh viện quận Tân Phú với quy mô 500 giường; Đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Quận 3; Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.
Theo Danh mục dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 1) công bố giữa tháng 6 năm nay, có 5 dự án xây dựng bệnh viện dự kiến kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức PPP, gồm Bệnh viện Đa khoa 600 giường tại Mê Linh (2.697 tỷ đồng); Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cơ sở 2 (500 tỷ đồng); Bệnh viện Tim Hà Nội - cơ sở 2 (700 tỷ đồng); Bệnh viện Mắt Hà Đông (450 tỷ đồng) và Bệnh viện Thận Hà Nội (600 tỷ đồng).
Loại hợp đồng nào phù hợp?
Hình thức hợp đồng BLT thường được sử dụng cho các dự án an sinh xã hội như môi trường, giáo dục, bệnh viện..., những dự án mà nguồn thu từ người sử dụng không đủ bù đắp chi phí và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư hoặc các dự án mà việc tiến hành thu phí trực tiếp từ người sử dụng có thể gặp khó khăn do một số nguyên nhân.
Đối với các dự án xây dựng bệnh viện, nhà đầu tư thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng, cho bệnh viện thuê trong 1 thời gian, bệnh viện trả tiền thuê cho nhà đầu tư theo hợp đồng, khi đủ hoàn vốn, nhà đầu tư chuyển giao lại công trình cho bệnh viện. Cách làm này vừa giúp tận dụng được nguồn vốn, kinh nghiệm vận hành của khu vực tư, vừa bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Bệnh viện vẫn là bệnh viện công, nhà đầu tư chỉ xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cho Nhà nước thuê, nguồn chi trả sẽ theo quy định của hợp đồng, từ nguồn thu chung của bệnh viện. Điều này cũng giúp nhà đầu tư yên tâm về hoàn vốn.
Việc xây dựng các bệnh viện theo hình thức hợp đồng BLT sẽ giải quyết nhiều hạn chế của xã hội hóa, đó là có quy trình lựa chọn nhà đầu tư rõ ràng, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư; bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân được sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công ổn định, chất lượng, đồng thời các nhà đầu tư sẽ an tâm tham gia.