Tiền liên tục bị hút với lãi suất thấp, một số ngân hàng vẫn phải tiếp cận vốn hỗ trợ chi phí cao

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi Ngân hàng Nhà nước hút ròng lượng tiền lớn với mức lãi suất 0,9%/năm cho kỳ hạn 14 ngày thì vẫn có thành viên phải tiếp cận vốn hỗ trợ trên kênh cầm cố với mức lãi suất 2,5%/năm cùng kỳ hạn 14 ngày...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ghi nhận trong tuần vừa qua (4/7 – 8/7), Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu ở 3 kỳ hạn gồm 7 ngày, 14 ngày và 28 ngày. Theo đó, có 139.749,5 tỷ đồng trúng thầu.

Ở chiều ngược lại, có 72.614,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, trong tuần, nhà điều hành tiền tệ đã hút ròng 67.134,6 tỷ đồng trên kênh tín phiếu thị trường mở (OMO).

Điều đáng nói, lượng tiền bị Ngân hàng Nhà nước hút về đang có mức lãi suất thấp. Thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với mức giao dịch giữa các thành viên cùng kỳ hạn.

Điển hình, lãi suất trúng thầu tín phiếu kỳ hạn 7 ngày đang có lãi suất 0,65%/năm thì trên liên ngân hàng các thành viên đang giao dịch ở mức 1,3%/năm. Tương tự, Ngân hàng Nhà nước hút tiền ở kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 0,9%/năm thì mức giao dịch giữa các ngân hàng với nhau lại lên tới 1,80%/năm.

Hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng gần nhất có dấu hiệu chững lại so với các tháng đầu năm. Chính việc chững lại của đà tăng trưởng tín dụng này đã khiến thanh khoản hệ thống có hiện tượng dôi dư tạm thời.

Việc Ngân hàng Nhà nước bán tín phiếu theo hình thức đấu thầu lãi suất nhưng lãi suất trúng thầu lại thấp hơn cả lãi suất cho vay cùng kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng cho thấy, rất nhiều ngân hàng đang có nhu cầu giảm khối lượng tiền trong hệ thống và buộc phải tìm đến kênh tín phiếu.

Mặc dù tiền bị hút về với mức lãi suất thấp như trên, tuy nhiên vẫn còn một vài thành viên tham gia thị trường phải tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ với mức lãi suất lên tới 2,5%/năm cho kỳ hạn 14 ngày. Tình đến cuối tuần trước (8/7), lượng tiền mà các thành viên đang phải vay mượn Ngân hàng Nhà nước tạm thời khoảng 1.962,9 tỷ đồng.

Nghịch lý vừa bơm, vừa hút của nhà điều hành tiền tệ chủ yếu do tính “mấp mô”, không đồng đều trong hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Trong đó, nhiều ngân hàng có quy mô vốn lớn nhưng cũng có ngân hàng vốn rất nhỏ, bị mua lại bắt buộc. Hay như việc sử dụng hết room tín dụng của ngân hàng lớn cũng tạo lên nhu cầu vốn của các ngân hàng nhỏ nhưng vẫn còn chỉ tiêu tăng trưởng.

Hiểu đơn giản, ngân hàng lớn hết hạn mức tín dụng nên không thể cho vay thêm, trong khi doanh nghiệp vẫn rất cần vốn. Những doanh nghiệp này buộc phải tìm đến những ngân hàng khác, nơi vẫn có thể giải ngân hợp đồng tín dụng.

Thế nhưng, ngân hàng còn “room” hiện nay chủ yếu có quy mô vốn nhỏ. Trước cơ hội kinh doanh, ngân hàng nhỏ sẽ tìm đến nhiều nguồn vốn, trong đó bao gồm việc tăng lãi suất để hút vốn nhàn rỗi từ khu vực dân cư, thậm chí sử dụng vốn thị trường 2 để đẩy vào thị trường 1. Tuy nhiên, trên thị trường 2, do cung cầu không gặp, một vài tổ chức tín dụng phải tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, bất chấp mức lãi suất này cao hơn mức lãi suất thị trường đang giao dịch.

Theo giới chuyên môn, trong thời gian tới, khi các ngân hàng lớn được phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng việc hút ròng của Ngân hàng Nhà nước sẽ dần thưa hơn. Đồng thời, nhu cầu vốn của các ngân hàng nhỏ, bị mua lại bắt buộc cũng ít đi sẽ giúp xoa dịu nghịch lý “kẻ ăn không hết, người lần không ra” như trên.

Chuyên đề