Thương hiệu cổ phiếu nhà thầu đối diện nhiều thách thức

(BĐT) - Là những thương hiệu nhà thầu xây dựng hàng đầu, giá trị cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Xây dựng Coteccons, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình… tăng trưởng khá ấn tượng trên thị trường chứng khoán những năm qua. Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản (BĐS) năm 2019, cổ phiếu ngành xây dựng cũng trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Thị trường bất động sản ảm đạm trong thời gian qua khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đi xuống. Ảnh: Giang Đông
Thị trường bất động sản ảm đạm trong thời gian qua khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đi xuống. Ảnh: Giang Đông

Kết quả kinh doanh gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND Thành phố công nhận với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND Thành phố chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (tương đương 82,2%) so với cùng kỳ năm trước. Số dự án đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai là 24 dự án với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (tương đương 29,4%) so với nửa đầu năm 2018.

Còn tại thị trường Hà Nội, theo đánh giá của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, diễn biến và những số liệu thực tế trên thị trường cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS Hà Nội đánh dấu sự sụt giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Cụ thể, lượng giao dịch BĐS nhà ở đạt 8.899 sản phẩm, chỉ bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường BĐS ảm đạm khiến nhiều cổ phiếu đầu ngành xây dựng như HBC, CTD, CC1… trượt dài.

Kể từ đầu năm 2019 đến nay, cổ phiếu CTD của Coteccons đã mất gần 30% giá trị, giảm từ 160 nghìn đồng/cổ phiếu xuống còn 94 nghìn đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh đi xuống là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu CTD “bốc hơi”.

Cụ thể, doanh thu nửa đầu năm 2019 của Coteccons giảm 20% so với nửa đầu năm 2018 (từ 12.613 tỷ đồng còn 10.037 tỷ đồng), lợi nhuận về mức thấp nhất 4 năm trở lại đây, đạt 312 tỷ đồng (giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái).

Kết quả hoạt động kinh doanh 5 năm gần nhất của Coteccons cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm hơn 39%. Thậm chí, Công ty từng đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất (50 - 80%) trong giai đoạn 2014 - 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng ấn tượng hơn, từ mức 357 tỷ lên 1.510 tỷ đồng (giai đoạn 2014 - 2018).

Cũng trong tình trạng tương tự, cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau khi lập đỉnh vào ngày 1/7/2017 với giá 35 nghìn đồng thì giờ đang được giao dịch quanh mức 14,5 nghìn đồng. Nguyên nhân chính cũng bắt nguồn từ lợi nhuận ròng lao dốc mạnh từ mức 860 tỷ đồng năm 2017 xuống 620 tỷ đồng năm 2018. Còn trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Công ty cũng giảm tới 42% so với nửa đầu năm 2018, đạt 172 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros đã giảm 29% từ mức 36.900 đồng xuống quanh mức 25.900 đồng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ROS, trong đó lãi ròng 6 tháng đầu năm 2019 giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018 là một nguyên nhân.

Hay như trường hợp của Tổng công ty Xây dựng số 1, giá cổ phiếu CC1 của doanh nghiệp này đã giảm 39,5% kể từ đầu năm 2019, một phần do lãi ròng 6 tháng năm 2019 giảm đến 74% so với cùng kỳ năm 2018. 

Còn nhiều khó khăn

Trước những khó khăn của thị trường BĐS, kể từ đầu năm tới nay, nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường đã được tổ chức. Theo các chuyên gia thuộc Hội Môi giới BĐS Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của thị trường là do chính sách siết chặt cho vay, giảm tín dụng BĐS của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS. Chiếm tỷ trọng lớn trong lượng cung và giao dịch là sản phẩm nằm trong các đại dự án của Tập đoàn Vingroup.

Số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam và diễn biến thực tế trên thị trường chỉ rõ, một số địa phương có thị trường BĐS phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… đều cho thấy sự giảm tốc về cả nguồn cung mới và lượng giao dịch, do chính quyền các địa phương đang tiến hành rà soát lại hàng loạt dự án BĐS.

Bên cạnh đó, Thông tư 16/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 40% đã tác động mạnh đến các giao dịch. Do khó tiếp cận vốn, giá nhà lại tăng liên tục, nên nhu cầu đầu tư và mua bán BĐS giảm mạnh.

Từ nay đến cuối năm, bức tranh ngành BĐS, xây dựng được nhìn nhận vẫn chưa thể khởi sắc, nên có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cổ phiếu ngành này.

Chuyên đề