Doanh nghiệp sản xuất thiết bị vệ sinh đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Tiên Giang |
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trần Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Gốm sứ Long Hầu (Khu công nghiệp Tiền Hải - Thái Bình) cho biết, DN sản xuất sản phẩm thiết bị vệ sinh trong nước đang chịu tác động gay gắt của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các thiết bị vệ sinh nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bán chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm trong nước cũng như sản phẩm thiết bị nhập khẩu khác. Đơn cử, giá bồn cầu Trung Quốc nhập về tại kho từ 1,1 - 1,2 triệu đồng, bán ra thị trường khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng, trong khi giá bán sản phẩm của Inax là khoảng 4 - 7 triệu đồng, Viglacera có giá từ 1,7 triệu đồng trở lên…
Không chỉ cạnh tranh về giá, theo đại diện Công ty CP Gốm sứ Long Hầu, các thiết bị vệ sinh Trung Quốc nhập khẩu không có nhãn mác, nhưng nhiều đối tượng kinh doanh đã gắn tem nhãn hàng hóa Việt Nam để bán kiếm lời.
“Nhiều DN sản xuất sản phẩm thiết bị vệ sinh trong Khu công nghiệp Tiền Hải đang lao đao, đã có DN phải đóng cửa, tồn kho lớn…”, ông Trường thông tin và cho biết, bản thân Gốm sứ Long Hầu cũng đang phải tiết giảm tối đa các chi phí để đảm bảo sản xuất.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Sứ Hảo Cảnh lo lắng chia sẻ: “DN sản xuất thiết bị vệ sinh đang gặp rất nhiều khó khăn, hàng bán rất chậm”.
Đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội xác nhận: “Đúng là các sản phẩm vật liệu xây dựng xuất xứ Trung Quốc có giá rất thấp, chất lượng không được kiểm chứng đang cạnh tranh khốc liệt với hàng trong nước”.
Theo ông Sâm, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa nổ ra thì một số sản phẩm thiết bị vệ sinh Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam, song không nhiều như hiện nay. Nguyên nhân là nhiều hàng hóa Trung Quốc, trong đó có sản phẩm thiết bị vệ sinh không xuất khẩu được sang Mỹ nên tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. “Cũng không ngoại trừ việc hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng trà trộn với hàng trong nước để xuất khẩu đi nước khác, gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt”, ông Sâm cảnh báo.
Số liệu của các DN sản xuất thiết bị sứ vệ sinh cho biết, tổng số lượng thiết bị vệ sinh nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016 là 135.000 sản phẩm, tăng lên 269.000 sản phẩm vào năm 2017 và lên 400.000 sản phẩm vào năm 2018 (chiếm hơn 20% thị phần).
Nhiều DN sản xuất thiết bị vệ sinh đã có văn bản “kêu cứu” gửi các cơ quan chức năng. Văn bản nhấn mạnh: “Sự cạnh tranh không bình đẳng và hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng Trung Quốc kém chất lượng vào thị trường Việt Nam đang đe dọa sự tồn vong của rất nhiều DN trong ngành”.
Siết chặt quản lý, tăng sức cạnh tranh
Mới đây, Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra đối với mặt hàng thiết bị vệ sinh (vòi chậu, chậu rửa mặt, bồn cầu, sen tắm...), đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc siết chặt quản lý về xuất xứ hàng hoá và ghi nhãn hàng hoá.
Tiếp đó, ngày 11/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ gửi các đơn vị, trong đó có Bộ Công Thương, về việc tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất thiết bị vệ sinh.
Đứng ở góc độ DN, ông Thái Duy Sâm cho rằng, ngoài việc “nhờ cậy” các cơ quan quản lý tìm kiếm các giải pháp thì bản thân DN sản xuất thiết bị vệ sinh cũng phải nỗ lực tìm giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đó là tích cực đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sản phẩm…, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giảm được giá thành. Mặt khác, trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do mới, các DN cũng phải tích cực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới…