Thực thi CPTPP: Từ cam kết quốc tế tạo đà thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cho đến nay, phần lớn các quy định pháp luật đều tương thích với cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, công tác xây dựng pháp luật bên cạnh việc tập trung tuân thủ cam kết quốc tế, cần phải mở rộng phạm vi áp dụng, nâng cấp hơn nữa để đáp ứng cho chính nhu cầu nội tại của đất nước trong quá trình hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh về thể chế.
Công tác xây dựng pháp luật phải tiếp tục nâng chuẩn, nhìn xa hơn, vượt lên trên cam kết quốc tế để cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Công tác xây dựng pháp luật phải tiếp tục nâng chuẩn, nhìn xa hơn, vượt lên trên cam kết quốc tế để cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Chậm ban hành quy định thực thi

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kể từ khi CPTPP có hiệu lực (ngày 14/1/2019) đến nay, 11 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được ban hành để thực thi 63 nhóm cam kết của Hiệp định có hiệu lực ngay liên quan đến thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động, trong đó có 2 luật, 2 nghị định và 7 thông tư. Phần lớn các VBQPPL “nội luật hóa” này đều tương thích với cam kết tại Hiệp định.

Đáng chú ý, một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (chủ yếu liên quan tới quy trình đấu thầu theo CPTPP).

Ngoài ra, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, đã có hơn 460 VBQPPL ở cấp địa phương được sửa đổi, ban hành. Dù nhiều văn bản không nói đích danh về CPTPP nhưng có những nội dung đề cập đến CPTPP.

Đại diện Nhóm nghiên cứu của VCCI cho rằng, một số quy định chưa rõ ràng gây vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai như các quy định về quy tắc xuất xứ, xác minh xuất xứ, đấu giá quyền nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng… Nhiều văn bản được ban hành sau thời điểm có hiệu lực của Hiệp định, trung bình mỗi văn bản chậm 246 ngày.

“Mặc dù có quy định hồi tố, nhưng việc chậm ban hành các văn bản khiến doanh nghiệp (DN) chịu thiệt thòi, bị lỡ nhịp, mất cơ hội. VBQPPL được ban hành sớm hơn thì DN đã được tận hưởng quy định về miễn trình giấy chứng nhận tự do lưu hành khi làm hồ sơ nhập khẩu mỹ phẩm (thường mất từ 40 - 60 ngày)… Thực tế, sau gần 3 năm thực thi CPTPP, chưa có một ô tô cũ nào được nhập khẩu theo CPTPP. Có những vấn đề có thể có lựa chọn khác tốt hơn cho DN nội địa như quy định về quy tắc xuất xứ”, bà Trang tiếc nuối.

Tiếp tục mở rộng phạm vi, nâng cấp tiêu chuẩn áp dụng

Theo bà Trang, hiện có 4 dự thảo VBQPPL (3 luật và 1 nghị định) đang được các bộ, ngành chuẩn bị cho việc thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình từ năm 2022 - 2024 về mở cửa thị trường hàng hóa, sở hữu trí tuệ, lao động.

Để có sự chuẩn bị tốt hơn, đại diện Nhóm nghiên cứu của VCCI khuyến nghị, hoạt động rà soát tính tương thích với cam kết FTA và lập kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi cam kết cần được thực hiện một cách bao trùm hơn, có tính liên ngành, minh bạch và tham vấn đầy đủ DN và các đối tượng chịu tác động. Việc soạn thảo nội dung cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn. Quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI, không chỉ tập trung vào nghĩa vụ thực thi các cam kết quốc tế, công tác xây dựng pháp luật còn phải tiếp tục nâng chuẩn, nhìn xa hơn, vượt lên trên cam kết để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN hội nhập thuận lợi và hiệu quả hơn. “Điều này không hề viển vông, mà vì lợi ích quốc gia cũng như phù hợp với tiêu chuẩn quản trị quốc gia hiện đại là phục vụ, hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho DN và người dân”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Sự chủ động nâng cao sức cạnh tranh của thể chế, theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, là hết sức cấp bách trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Anh, Trung Quốc và một số đối tác mới muốn tham gia CPTPP. “Nếu trở thành thành viên CPTPP, họ sẽ là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Việt Nam, vì có sức mạnh kinh tế, thể chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh và hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu chậm chân thì tất cả những cơ hội, lợi thế mà Việt Nam kỳ vọng tận dụng khi tham gia CPTPP có nguy cơ không đạt được”, bà Lan cảnh báo.

Chuyên đề