Theo Luật Quản lý nợ công năm 2009, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu trách nhiệm đàm phán, ký kết với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế mà NHNN là đại diện. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao trọng trách xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ vốn ODA; tổ chức vận động, điều phối nguồn vốn ODA, chủ trì đàm phán, ký kết điều ước quốc tế khung về vay ODA và theo dõi, đánh giá sau đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA.
Việc giao cho 3 cơ quan quản lý nhà nước về nợ công, theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, là một trong những nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, phân bổ vốn công dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao…
Theo ông Hải, Luật Quản lý nợ công cần sửa đổi theo hướng giao cho một cơ quan duy nhất là Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công. “Việc tập trung quản lý nhà nước về nợ công vào một đầu mối duy nhất cũng được hầu hết các nước trên thế giới thực hiện”, ông Hải phát biểu.
Tuy nhiên, khi thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quan điểm này không nhận được sự đồng thuận.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, nhận định nợ công tăng nhanh; quản lý, sử dụng nợ công kém hiệu quả vì có nhiều đầu mối là chưa xác đáng.
Nguyên nhân, theo ông Thu, chủ yếu xuất phát từ điều hành, chứ không phải do quản lý nhà nước về nợ công không tập trung vào một đầu mối. “Trước đây các bộ, ngành, địa phương đầu tư thoải mái, không có vốn cũng cứ triển khai dự án vì đã có Trung ương lo vốn. Ngân sách nhà nước có hạn, thiếu vốn phải đi vay, vay vượt quá khả năng trả nợ của nền kinh tế dẫn đến bội chi và nợ công tăng cao”, ông Thu nhận định.
“Cứ thực hiện tốt Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng sửa đổi, chắc chắn sẽ kiểm soát được nợ công vì nợ công chưa quản lý, sử dụng tốt không phải do nguyên nhân công tác quản lý nợ công phân tán, mà do chưa thực hiện nghiêm túc 2 luật này”, ông Thu nói.
“Ở Việt Nam, Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 3 cơ quan khác nhau, đều là thành viên của Chính phủ nên quản lý nhà nước về nợ công giao cho 3 cơ quan này dựa vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Nếu giờ chỉ giao cho một đầu mối thực hiện thì sẽ gây ra xáo trộn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cả 3 cơ quan này. Tôi cho rằng, tập trung quản lý nhà nước vào một đầu mối chưa chắc đã tốt hơn, đã hiệu quả hơn, thậm chí là ngược lại”, Thứ trưởng Đào Quang Thu nhấn mạnh.
“Hơn 40 năm qua, NHNN đã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; đại diện chính thức cho “bên vay” trong các khoản vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và được ủy quyền ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về khoản vay đó. Theo đánh giá của WB, ADB, IMF thì NHNN đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình, không chỉ quản lý nguồn vốn này, mà còn có đóng góp không nhỏ trong việc vận động nhà tài trợ cho Việt Nam vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Vì vậy, không nên xáo trộn cơ quan quản lý nhà nước về nợ công”, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu.
Bà Hồng cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định, đại diện cho Chính phủ tại các định chế tài chính (WB, ADB, IMF) là cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết, quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Ở các nước thì Bộ Tài chính làm đại diện tại WB, ADB, IMF, nên họ chủ trì đàm phán, ký kết, quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Còn tại Việt Nam, nhiệm vụ này được giao cho NHNN thì cứ để NHNN tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành.
“Thay đổi cơ quan quản lý nhà nước đối với khoản vay ODA và nguồn vốn vay ưu đãi tại các tổ chức định chế tài chính đa phương liệu có cần thiết không, khi mà cách thức quản lý hiện nay được đánh giá là hiệu quả”, bà Hồng đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng bày tỏ quan điểm, để không bị xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, nên tiếp tục giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ giữa 3 cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN và Bộ Tài chính) trong vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi.