Ảnh minh họa: Internet |
Cắt giảm ĐKKD: “Chắc chắn không đạt”
Báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ diễn ra ngày 1/10/2018 không có nhiều thông tin tích cực.
Theo báo cáo này, tính đến ngày 27/9/2018, Bộ KH&ĐT mới nhận được báo cáo quý III/2018 về tình hình và kết quả thực thi Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của 16 bộ, cơ quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các báo cáo gửi về cho thấy, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đạt mục tiêu, nhưng khi rà soát thấy nhiều nội dung chưa thực chất.
“Có trường hợp, báo cáo nêu hành động thực thi chung chung, đôi khi chỉ là lặp lại các nội dung yêu cầu của Nghị quyết, kết quả không rõ ràng (nhất là báo cáo của một số địa phương)”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét.
Đối với cải cách quy định về ĐKKD, tính đến ngày 15/8/2018 (thời hạn hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án đơn giản hóa ĐKKD bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn), hầu hết các bộ trình dự thảo nghị định về cắt giảm, sửa đổi ĐKKD đúng hạn. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 2 nghị định cắt giảm, sửa đổi ĐKKD được ban hành (Nghị định 08/2018/NĐ-CP của Bộ Công Thương và Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Bộ Xây dựng) với 858 ĐKKD được cắt giảm, đơn giản hóa. “Như vậy, việc thực hiện cắt giảm ĐKKD mới chỉ đạt 30% so với yêu cầu”, Báo cáo nêu kết quả.
Bà Thảo nhận xét: “Theo báo cáo, đa số các bộ đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số ĐKKD, song nội dung cắt giảm và hiệu quả cắt giảm vẫn là vấn đề cần tiếp tục thảo luận”. Bởi lẽ, qua rà soát sơ bộ các đề xuất cắt giảm ĐKKD cho thấy: Nhiều ĐKKD đề xuất cắt giảm chung chung; một số ĐKKD chỉ là sửa câu chữ hoặc sửa nội dung, chưa thực sự đơn giản hoá; vẫn còn những ĐKKD không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm… Cũng cần lưu ý thêm, theo báo cáo và phương án sửa đổi của các bộ thì đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% ĐKKD, nhưng nhiều ĐKKD nằm trong các văn bản luật và kế hoạch sửa luật chưa rõ ràng. Do đó, cho dù các nghị định cắt giảm, sửa đổi ĐKKD được phê duyệt trong năm 2018 thì chắc chắn cũng không đạt được chỉ tiêu cắt giảm 50% ĐKKD.
Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành ít biến chuyển
Về cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN), Nghị quyết 19-2018/NQ-CP yêu cầu 12 bộ báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hoạt động quản lý, KTCN, trong đó có nội dung cắt giảm 50% danh mục mặt hàng KTCN. Tuy nhiên, trong quý III/2018, chỉ có 3 bộ là: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải báo cáo về nội dung này. Các thông tin nhận được cho thấy, kết quả rà soát và đề xuất phương án cắt giảm danh mục hàng hoá và đơn giản hoá thủ tục KTCN của các bộ chưa có nhiều chuyển biến. Cải cách các quy định về quản lý, KTCN mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số bộ trong một số lĩnh vực. Hầu hết các bộ đang thực hiện ở giai đoạn đề xuất phương án, chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, kết quả còn thấp so với yêu cầu của Chính phủ.
Đơn cử, tại Bộ Y tế, Nghị định 15/2018/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã giảm 95% lô hàng phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Dù vậy, hiện Bộ KH&ĐT chưa có thông tin cập nhật về đề xuất cắt giảm danh mục các mặt hàng khác thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế. Hay Bộ Công Thương mới chỉ nêu phương án chuyển 402/702 mặt hàng từ kiểm tra giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, không phải kết quả cắt giảm danh mục; trong khi đó, phương án đưa ra từ quý I/2018, nhưng đến nay chưa có thông tin về việc Bộ Công Thương đã thực hiện hay chưa... Do đó, những vướng mắc trong quản lý, KTCN như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí KTCN lớn… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, trong quý III cũng chưa có nhiều chuyển biến so với trước đó. Như vậy, có thể nói kết quả thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu. Trước tình hình đó, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 4 nhóm giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh yêu cầu vào cuộc toàn diện và mạnh mẽ, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương.