Thực hiện dự án có sử dụng đất: Cách nào gỡ “rừng” thủ tục cho nhà đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo của Bộ Tư pháp về kết quả rà soát hệ thống pháp luật cho biết, để thực hiện 1 dự án đầu tư có sử dụng đất, mỗi nhà đầu tư phải trải qua 40 bước thủ tục và mất khoảng 310 ngày để kết thúc chuỗi thủ tục trên. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc gỡ vướng và đồng bộ các văn bản, quy định pháp lý, thì quá trình thực thi cần được cải cách, đẩy nhanh, bởi đây vẫn là khâu yếu, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thủ tục giải phóng mặt bằng là một trong những gánh nặng của doanh nghiệp thực hiện dự án sử dụng đất. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tục giải phóng mặt bằng là một trong những gánh nặng của doanh nghiệp thực hiện dự án sử dụng đất. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều khó khăn từ thực tiễn

Theo Báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của DN và thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua cơ chế một cửa quốc gia do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, trong năm 2023, 60% số DN tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh; 64% số DN cho rằng, rào cản lớn là thời gian giải quyết hồ sơ TTHC dài hơn so với quy định; 75% số DN cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC về đất đai.

Chia sẻ thực tiễn triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất tại Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2024 được tổ chức ngày 9/10, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, quá trình thực hiện 1 dự án đầu tư có sử dụng đất tồn tại một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB), TTHC và vấn đề quy hoạch. Riêng quá trình đối thoại với người dân, người bị cưỡng chế trong khâu GPMB, pháp luật quy định thực hiện thủ tục đủ 60 ngày (thông báo, vận động chính quyền, đoàn thể của địa phương gặp đủ 3 lần để có đủ biên bản, chữ ký) thì mới được đối thoại với người dân. Trên thực tế, dự án mà một số DN thuộc Hiệp hội đang thực hiện cần tới 177 bước và hết 360 ngày mới được đối thoại với người dân, trước khi thực hiện các thủ tục cưỡng chế (nếu cần). Đây là một trong các ví dụ cho thấy thủ tục GPMB là một “gánh nặng” với DN bất động sản.

Ông Hiệp chia sẻ thêm, về TTHC, các dự án mà DN thực hiện cần khoảng 38 - 40 con dấu. Chẳng hạn, để được chấp thuận chủ trương đầu tư, khi nhà đầu tư gửi hồ sơ dự án đến văn phòng UBND địa phương thì lại được chuyển tiếp lấy ý kiến 5 sở, ngành nên cần phải có 5 con dấu để hoàn thành một thủ tục; thủ tục về quy hoạch cũng được chuyển tiếp lấy ý kiến 5 sở, ngành…

Với công tác quy hoạch, khi nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch chi tiết 1/500 mà muốn điều chỉnh con đường chệch khỏi cống một chút để phù hợp thì cũng cần điều chỉnh quy hoạch, làm mất thời gian đến 6 tháng cho dự án. Do đó, ông Hiệp cho rằng, cần xem lại quy định pháp lý trong công tác này, nội dung nào được phép điều chỉnh cục bộ, nội dung nào cần điều chỉnh phân khu để giảm bớt thời gian thực hiện.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, định kỳ 6 tháng, Ban IV có báo cáo về khảo sát niềm tin kinh doanh gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong 3 kỳ báo cáo gần đây, vướng mắc về TTHC luôn nằm trong TOP 3 những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của DN, nhà đầu tư.

Bà Thủy nhấn mạnh, tại báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10/2024, vấn đề TTHC trở thành vấn đề lớn thứ 2. Dù có rất nhiều nỗ lực cải cách TTHC nhưng từ kỳ này sang kỳ khác, cộng đồng DN vẫn “kêu” về vấn đề này. Bà Thủy cho rằng, câu chuyện của DN cho thấy tính cấp thiết trong việc tập trung cao độ “giải bài toán” cải cách TTHC.

75% số doanh nghiệp được VCCI khảo sát cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Ảnh: Tiên Giang
75% số doanh nghiệp được VCCI khảo sát cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Ảnh: Tiên Giang

Chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp

Về gỡ vướng vấn đề pháp lý cho dự án sử dụng đất, bà Thủy thông tin, quy trình mỗi lần điều chỉnh nội dung liên quan đến quy hoạch trong dự án sử dụng đất phải trải qua 5 - 7 sở, ngành khác nhau nên kéo dài thời gian lấy ý kiến. Việc tinh gọn một đầu mối là một trong những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc liên quan tới bài toán quy hoạch trong quá trình thực hiện đầu tư dự án sử dụng đất của DN.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để đẩy nhanh TTHC của một dự án nói chung, dự án có sử dụng đất nói riêng, một số quốc gia có sự phân loại theo mức độ ưu tiên của từng lĩnh vực, chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, trong khi nước ta đang có quy trình chung cho nhiều trường hợp, dự án. Bà Thủy đề xuất, nên chăng có sự phân loại về mức độ ưu tiên đối với các dự án.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các dự án sử dụng đất nói chung, dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở nói riêng chịu sự điều chỉnh của 12 - 15 luật do nhiều bộ, ngành quản lý. Những tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua một phần đến từ trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện dự án khác nhau ở mỗi địa phương. Điều này dẫn đến DN, nhà đầu tư không chủ động được công việc triển khai dự án đầu tư của mình.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, vướng mắc liên quan tới thủ tục của các dự án bất động sản thời gian qua đã được tháo gỡ nhiều, ban hành đồng bộ Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…, trong đó có vấn đề đồng bộ quy định pháp luật, cải cách TTHC, tăng cường phân cấp, phân quyền. Đối với vấn đề quy hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, vướng mắc chủ yếu nằm ở khâu thực thi, do khi lập quy hoạch các dự án trước đây, một số địa phương chưa quan tâm đến quy hoạch phân khu, khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhưng chưa lập quy hoạch phân khu thì vi phạm quy định, làm kéo dài thời gian điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, quan điểm của Chính phủ là cần đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy khơi thông nguồn lực; phân cấp, phân quyền một cách thực chất; đảm bảo đủ khả năng của các cơ quan, cán bộ được phân cấp, phân quyền tổ chức thực hiện được công việc.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, giữa quy định pháp lý trong luật này, luật khác không tránh khỏi sự thiếu đồng bộ, trong khá nhiều trường hợp quan điểm và cách tiếp cận trong xử lý vấn đề khác nhau. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh lý những ý kiến hợp lý đưa vào văn bản pháp luật, hoặc có giải trình thỏa đáng (nếu không tiếp thu được). Việc xây dựng văn bản pháp lý chỉ là một phần, trách nhiệm thực thi công vụ cũng cần hành lang pháp lý để công chức yên tâm thực hiện công vụ; khi quy trách nhiệm cần đảm bảo nguyên tắc chỉ xử lý đối với những vụ việc có yếu tố vụ lợi, cố ý, hành vi nhân quả… để nền công vụ hoạt động bình thường, đạo đức công vụ và trình độ chuyên môn được phát huy tốt.

Chuyên đề