Thúc giải ngân đầu tư công tạo năng lực sản xuất mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhất là giải ngân vốn đầu tư công được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thời gian còn lại của năm 2021 cần sự quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Dự kiến giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/7/2021 là 169.335,05 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Ảnh: Song Lê
Dự kiến giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/7/2021 là 169.335,05 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Ảnh: Song Lê

Nơi gần về đích, nơi chưa xuất phát

Theo Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/7/2021 là 169.335,05 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), trong đó vốn trong nước đạt 40,38%, vốn nước ngoài đạt 7,52%. Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 129/2020/QH14 thì tỷ lệ giải ngân đạt 42,48%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ giải ngân có sự chênh lệch rất lớn giữa các bộ, ngành, địa phương. Có 10 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (36,71%). Trong đó, Quảng Ninh đã giải ngân được 90,41% kế hoạch vốn; TP. Hải Phòng đạt 88,24%; Bình Phước 79,22%; Thái Bình 71,04%, Hưng Yên 65,64%. Vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương qua 7 tháng chưa giải ngân kế hoạch vốn và 2 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 1%.

Bộ KH&ĐT nhận định, nguyên nhân giải ngân chậm là do công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương năm 2021 chậm, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để chậm, muộn trong phân bổ ngân sách chưa quyết liệt. Vướng mắc về đầu tư chậm được xử lý như giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án. Một số dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định… Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết các địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả thực hiện

Thông tin trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khâu tổ chức thực hiện là nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, bởi vì cùng một mặt bằng thể chế, có địa phương làm tốt nhưng vẫn có địa phương không thực hiện tốt.

Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP (NQ 63), Chính phủ nhấn mạnh đến vai trò tổ chức thực hiện, trách nhiệm của người đứng đầu, của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải ngân đầu tư công. Theo Bộ KH&ĐT, để thúc đẩy giải ngân thời gian tới, cần tập trung thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại NQ 63. Bên cạnh đó, cần tập trung các giải pháp lớn như hoàn thiện hồ sơ dự án được bố trí kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 gồm dự án bố trí thu hồi vốn ứng trước; thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); hồ sơ quyết toán dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng để làm thủ tục thanh toán toàn bộ kế hoạch năm 2021 đã giao cho dự án. Chuẩn bị các thủ tục đầu tư cần thiết cho các dự án khởi công mới để có thể giao kế hoạch vốn năm 2021 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Tiếp tục đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số…

Nhận định còn có nguyên nhân về thể chế, chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, liên quan đến đầu tư công không chỉ có Luật Đầu tư công mà còn có pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường, tài chính ngân sách… Vì thế, cần sửa đổi đồng bộ các pháp luật liên quan đến đầu tư công.

Đối với Bộ KH&ĐT, trong các tháng đầu năm 2021, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội các giải pháp thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025… Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Chuyên đề