Thúc đẩy mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước: Cân nhắc tiêu chí ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc ưu tiên mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong nước dù đã được thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương nhưng tỷ lệ chưa cao. Để thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm.
Một số sản phẩm công nghệ thông tin trong nước đã sản xuất được nhưng chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm mua sắm. Ảnh: Nhã Chi
Một số sản phẩm công nghệ thông tin trong nước đã sản xuất được nhưng chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm mua sắm. Ảnh: Nhã Chi

Một số ý kiến cho rằng, việc ưu tiên phải đáp ứng tính tương thích với các cam kết quốc tế và thực tế trong nước.

Mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước còn hạn chế

Khảo sát mới đây của Bộ TT&TT cho thấy, tổng kinh phí đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT tại các bộ, ngành và địa phương năm 2019 khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, tại các bộ, ngành, tỷ lệ kinh phí đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước chiếm khoảng 35%; còn tại các địa phương là 64%.

Trong khi đó, một số sản phẩm trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là các sản phẩm bảo đảm an toàn thông tin (phần mềm tường lửa, diệt virus...), chưa được các cơ quan chú trọng đầu tư, mua sắm.

Khi chọn mua sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài thay vì trong nước, các bộ, ngành và địa phương nêu ra rất nhiều lý do. Đó là, sản phẩm trong nước không bảo đảm yêu cầu bảo mật, không có khả năng hoạt động tốt và tương thích với hệ thống có sẵn. Nhiều thiết bị sản xuất trong nước chưa được tiêu chuẩn hóa, không có tổ chức kiểm định, đánh giá, xác nhận. Do đặc thù của từng dự án, các hệ thống quan trọng đòi hỏi các phần cứng chuyên dụng có chất lượng, cấu hình và độ an toàn, bảo mật cao, trong khi trong nước chưa sản xuất được.

Mặc khác, nhiều trường hợp nhà thầu tham dự gói thầu mua sắm chỉ chào các sản phẩm nước ngoài, hoặc chủ đầu tư không nắm bắt được thông tin hàng trong nước để lựa chọn... Giá thành một số sản phẩm sản xuất trong nước có thông số kỹ thuật tương đương với sản phẩm nhập khẩu còn cao. Ngoài ra, còn do tâm lý chuộng sử dụng hàng ngoại, thói quen tin dùng sản phẩm của các hãng có uy tín trên thế giới.

Do đó, Bộ TT&TT đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm để thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước. Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Tiêu chí phải phù hợp thực tế trong nước và cam kết quốc tế

Khi xây dựng tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trước tiên phải xem xét tính tương thích với các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường mua sắm công mà Việt Nam đã ký kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong đó có cam kết mở cửa việc mua sắm các loại sản phẩm và dịch vụ CNTT; đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu trong nước với hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của nước thành viên; không được thực hiện bất kỳ biện pháp ưu đãi với sản phẩm, dịch vụ của nước nào ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Mặc dù vậy, cả hai hiệp định đều cho phép các nước thành viên được áp dụng các ngoại lệ ưu đãi với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó EVFTA còn quy định hạn mức áp dụng là các gói thầu có giá trị từ 260.000 SDR (gần 8,5 tỷ đồng) trở xuống.

Do đó, để đảm bảo tính chặt chẽ và không vi phạm cam kết quốc tế, VCCI đề xuất, Dự thảo Thông tư cần bổ sung quy định theo hướng áp dụng cho tất cả các DN trong nước đối với các gói thầu không thuộc phạm vi mở cửa về mua sắm công trong các cam kết quốc tế; các DNNVV trong nước đối với các gói thầu thuộc phạm vi mở cửa mua sắm công trong các cam kết quốc tế nhưng thuộc diện được áp dụng ngoại lệ ưu đãi với các DNNVV.

Để xác định thế nào là sản xuất trong nước, Dự thảo Thông tư quy định, các tiêu chí cụ thể bao gồm: chi phí sản xuất trong nước, số lượng lao động; chi phí đào tạo, đầu tư phát triển; năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất.

VCCI lưu ý, quy định tiêu chí về chi phí sản xuất trong nước phải phù hợp với Luật Đấu thầu (quy định điều kiện về chi phí sản xuất trong nước (chiếm tỷ lệ 25% trở lên) khi ưu đãi cho nhà thầu tham gia cung ứng hàng hóa, chứ chưa áp dụng với nhà thầu cung ứng dịch vụ).

Đối với chi phí cho đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển công nghệ, VCCI cho rằng, Dự thảo Thông tư không nên khống chế ở các DN có thời gian hoạt động trên 3 năm, mà có thể áp dụng cho cả những DN được thành lập dưới 3 năm với điều kiện phần chi phí này chỉ tính cho khoảng thời gian hoạt động của DN.

Đối với tiêu chí về năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, theo VCCI, Dự thảo Thông tư chỉ cần quy định DN phải có bản thiết kế, hồ sơ về cơ sở sản xuất… để chứng minh sản phẩm được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, thay vì yêu cầu phải có bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp... Bởi vì sản phẩm phần cứng, điện tử được cấu thành từ nhiều linh kiện, chi tiết, trong đó có nhiều phần DN không thể tự nghiên cứu hoặc sản xuất được, đồng nghĩa với việc DN không thể có các văn bằng về sở hữu trí tuệ liên quan.

Chuyên đề