Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Thách thức trên chặng đường hướng tới mục tiêu
Theo Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện, khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng chính là việc người dân có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới, tiềm lực và vị thế của quốc gia được nâng cao. Nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Các ngành kinh tế hiện đại và kinh tế tri thức được phát triển trong mạng lưới các đô thị hiện đại kết nối tốt và hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù còn chặng đường dài phía trước nhưng Việt Nam đang tích cực hành động nhiều hơn, thúc đẩy nhiều động lực quan trọng để nhanh tiệm cận với mục tiêu này.
Nói đến thịnh vượng, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sự thịnh vượng của mỗi quốc gia không chỉ nói đến thu nhập bình quân đầu người, mà nhìn rộng hơn phải là sức sống, sức sáng tạo, dân chủ, bền vững cả về môi trường và xã hội. Ngoài ra còn là vị thế của quốc gia đó trên thế giới, sự đóng góp của dân tộc ấy vào thịnh vượng chung của nhân loại.
Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và toàn diện trong 3 thập kỷ kể từ khi bắt đầu Đổi mới, từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới trong thập niên 80 của thế kỷ trước thành một quốc gia năng động, có thu nhập trung bình với các chỉ số xã hội quan trọng tương đương với các nước có thu nhập cao hơn.
Theo Báo cáo Việt Nam 2035, đích đến mới mà Việt Nam đang vươn tới là gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập cao, thịnh vượng vào năm 2035, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới đạt 2.587 USD, trong khi nhiều nước xung quanh chúng ta đều đã đạt 6.000 - 7.000 USD, thậm chí trên 10.000 USD.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã không ít lần khẳng định về tầm nhìn, khát vọng thịnh vượng với bạn bè quốc tế và nhấn mạnh Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn trên hành trình đi đến thịnh vượng.
Những hành động cụ thể
Tại Diễn đàn VRDF năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam cần giải quyết được 3 điểm nghẽn cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Để thực hiện hiệu quả 3 đột phá nêu trên, bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới. Đó là: thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0; thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân.
Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình lập chính sách.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu thịnh vượng, chúng ta phải dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả hơn; cải cách phải toàn diện, sâu rộng và thực chất hơn.
Một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là phải hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Với vai trò tham mưu cho Chính phủ, Bộ KH&ĐT đang gấp rút, khẩn trương hoàn thiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Trong đó, những chính sách về CMCN 4.0 đều hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo dựng môi trường thể chế tốt nhất để họ phát triển.
Đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Sự kiện Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019), Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội… diễn ra vừa qua là một số hoạt động cụ thể của Bộ KH&ĐT nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn cần thiết để phát triển và vươn lên, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và cạnh tranh của nền kinh tế.
Đi đến được sự thịnh vượng là một chặng đường dài và nhiều chông gai. Song, trên chặng đường ấy, Việt Nam chưa bao giờ thôi quyết tâm và hành động mạnh mẽ hơn trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và thực hiện đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.