Thúc đẩy doanh nghiệp xã hội: Hướng đi của phát triển bền vững

(BĐT) - Mặc dù chọn cách kinh doanh khó hơn nhiều so với các doanh nghiệp (DN) thông thường, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nhưng sự quan tâm của xã hội tới doanh nghiệp xã hội (DNXH) chưa được như kỳ vọng.
Những đóng góp của doanh nghiệp xã hội đã đủ bằng chứng, đủ thuyết phục để được hưởng ưu đãi. Ảnh: Tiên Giang
Những đóng góp của doanh nghiệp xã hội đã đủ bằng chứng, đủ thuyết phục để được hưởng ưu đãi. Ảnh: Tiên Giang

Một số chuyên gia khẳng định, thúc đẩy DNXH phát triển mạnh chính là giải pháp phát triển bền vững, và đã đến lúc mô hình DN này cần được nhìn nhận, đánh giá đúng những đóng góp của họ với xã hội.

Khởi nghiệp khó hơn DN thông thường

DNXH là mô hình DN mới xuất hiện ở Việt Nam và có bước phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Hiện Việt Nam có khoảng 200 tổ chức được xem là có đầy đủ đặc điểm của DNXH, bên cạnh đó có hàng chục ngàn tổ chức và DN có những đặc điểm của DNXH.

Theo PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, các DNXH đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: Đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm ổn định cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…

Tuy nhiên, các DNXH đang gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính; yếu về năng lực quản lý, điều hành; thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp... Bên cạnh đó, DNXH còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về mô hình DN này còn hạn chế.

Với mục tiêu đào tạo những hướng dẫn viên bản địa có kỹ năng, có ngoại ngữ, được học tập trong các trường lớp trở thành hướng dẫn viên du lịch, Sapa O’Châu (một công ty dịch vụ du lịch tại Sa Pa được thành lập bởi người dân tộc thiểu số) đã trụ vững từ năm 2007 tới nay. Ít ai biết rằng, tại thời điểm thành lập, bà Tẩn Thị Su (Giám đốc Sapa O’Châu) đã gặp vô vàn khó khăn do khó tiếp cận vốn và sự hỗ trợ về các thủ tục, chính sách để thành lập DN.

Thông tin về sự hình thành của DNXH, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, DNXH đã tồn tại khá lâu trước khi luật pháp có khái niệm về DNXH. Theo ông Hiếu, đây là một mô hình DN rất nhân văn, văn minh khi định hướng thành lập xuất phát từ các vấn đề xã hội, đưa ra những giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội đó, rồi mới hướng tới thiết kế sản phẩm, kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Thêm nữa, việc tạo ra lợi nhuận lại được các DNXH tái đầu tư để giải quyết các vấn đề xã hội.

“Xét trên định hướng chung của Luật Doanh nghiệp 2014 thì có hàm ý thúc đẩy tất cả các DN, trong đó có cả DNXH phát triển, nhưng công cụ, biện pháp thực sự để thúc đẩy sự phát triển của DNXH là con số 0”, ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Trên thực tế, việc thành lập DNXH còn khó khăn hơn việc thành lập DN thông thường. Ông Hiếu thông tin, thực tiễn thành lập DNXH đang ghi nhận việc một số cơ quan nhà nước ngại cấp một cái gì đó mới nên hồ sơ thành lập DNXH được xem xét chặt chẽ hơn. Trong khi đó, các công ty tư vấn thành lập DNXH do e ngại những khó khăn nên thường lấy phí tư vấn cao hơn để tránh rủi ro cho mình… “Đây là những tác động không mong muốn xuất phát từ suy nghĩ, cảm nhận của những người thực hiện chứ không phải do chính sách của Luật DN”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đóng góp đáng được ghi nhận 

Chia sẻ với báo chí về chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DNXH, ông Phan Đức Hiếu cho biết, đã có những chính sách thúc đẩy DNXH như: miễn thuế thu nhập DN đối với phần lợi nhuận giữ lại để giải quyết các vấn đề xã hội; phần tài trợ của DN cho mục đích xã hội được tính vào chi phí DN… được đưa vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có khái niệm pháp lý về DNXH nên khi bàn về những chính sách này, những người thông qua chính sách còn nghi ngờ, chưa ghi nhận những đóng góp xã hội thực tế của DNXH.

Song đến nay, ông Hiếu khẳng định, những đóng góp của DNXH đã đủ bằng chứng, đủ thuyết phục và DNXH cần được thúc đẩy bằng những chính sách xuất phát từ nhu cầu của toàn xã hội, từ tài chính đến kỹ thuật. Đại diện CIEM dẫn chứng, đối với các hoạt động mua sắm chính phủ, đấu thầu, nên có ưu đãi cho mua sắm sản phẩm mà DNXH cung cấp nếu họ có cùng một mặt bằng giá cả, chất lượng, mẫu mã… như các DN khác. Những ưu đãi này sẽ có tác động rất lớn tới việc thúc đẩy thành lập DNXH.

Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, DNXH cần được thúc đẩy bởi những chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính khác. Trong đó, đại diện UNDP đề nghị, cần miễn, giảm thuế thu nhập cho phần lợi nhuận mà DNXH giữ lại để tái đầu tư cho mục đích giải quyết các vấn đề xã hội.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư