Thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng kết nối cung - cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Thái Lan), nhưng thực tế rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp khó khăn trong phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bối cảnh sức cầu của thị trường trong nước và quốc tế đều yếu, đòi hỏi những nỗ lực từ nhiều phía hỗ trợ các DN kết nối cung - cầu nhằm trụ lại với thương trường và góp sức cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh khó khăn về vốn, điều doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều nhất là giải bài toán bán hàng. Ảnh: Tường Lâm
Bên cạnh khó khăn về vốn, điều doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều nhất là giải bài toán bán hàng. Ảnh: Tường Lâm

Sức cầu giảm, doanh nghiệp đuối sức

Thông tin về sức cầu của thị trường tại Diễn đàn Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu ngày 23/11, tại Hà Nội, bà Đặng Thị Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng khu vực phía Bắc của NielsenIQ Việt Nam nhấn mạnh, sức cầu của thị trường quốc tế vẫn yếu. Hoạt động của DN vẫn khó khăn, DN thành lập nhiều nhưng con số đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cũng tăng nhanh. Theo số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, 10 tháng năm 2023, cả nước có gần 131.180 DN thành lập mới, nhưng cũng có 146.550 DN rút lui khỏi thị trường.

Các nghiên cứu cho thấy, xu hướng giảm tốc diễn ra ở hầu hết các hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ và vận tải; hàng tồn kho tăng... Trong khi đó, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến những hàng hóa đáp ứng tiêu chí xanh, bền vững với tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe hơn; chuyển dịch từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại...

Ông Đoàn Mạnh Trường, đại diện Cục Công nghiệp địa phương thuộc Bộ Công Thương cho biết, việc đưa sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối lớn gặp nhiều khó khăn khi các DN chưa chủ động tìm hiểu, kết nối với những nhà phân phối chính trên thị trường. Như cái vòng luẩn quẩn, khi hàng sản xuất ra không bán được, DN phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Dòng tiền và hiệu quả suy giảm, ảnh hưởng tới việc đầu tư, thực hiện các dự án mở rộng sản xuất.

Bên cạnh khó khăn tự thân trên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, hình thái TMĐT diễn ra sôi động, mạnh mẽ khiến sức ép cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lừa đảo… làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của DN hoạt động chân chính. Làm thế nào để hàng sản xuất ra đến được người tiêu dùng là bài toán khó với rất nhiều DN hiện nay.

Thúc đẩy kết nối cung - cầu

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thúc đẩy kết nối cung - cầu là giải pháp có thể hỗ trợ DN vượt qua thách thức “ế hàng”. Việc đẩy mạnh kết nối cung cầu là một hướng đi cần thiết để giúp DN vượt khó, từ đó mới có thể góp sức xây dựng nền kinh tế tăng trưởng. Kết nối cung - cầu giúp tối đa hóa tài nguyên, khuyến khích sự đổi mới và phát triển sản phẩm cũng như cơ hội hợp tác và tăng cường cạnh tranh.

Để giúp DN kết nối cung - cầu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo, định hướng xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là các hoạt động trong khung khổ Chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ DN phát triển; khai thác lợi thế của các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do; mở rộng thị trường lân cận, thị trường tiềm năng... Bên cạnh đó, Bộ đẩy mạnh công tác quảng bá, phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững.

Để kết nối cung - cầu về vốn trong nền kinh tế, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, tạo vốn mồi cho các DN tư; hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thị trường vốn phát triển, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu DN; đồng thời tiếp tục cải cách hành chính. Để tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn cho phát triển.

Trước khó khăn của cộng đồng DN, thời gian gần đây, ngành ngân hàng đã tổ chức hàng loạt sự kiện tại các tỉnh, thành như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… để hỗ trợ kết nối cung - cầu về vốn. Bên cạnh khó khăn về vốn, điều DN cần hỗ trợ nhiều nhất là giúp DN giải bài toán bán hàng.

Theo bà Đặng Thị Thúy Hà, người tiêu dùng ngày càng thông minh, nên DN muốn bán được hàng phải xác định rõ việc tìm “cơ hội trong thách thức”. Cụ thể, cần không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, định vị thương hiệu là việc DN không thể bỏ qua nhằm khẳng định vị trí của mình trên thương trường.

TMĐT là một cách bán hàng hiệu quả trong bối cảnh Internet phổ cập đến toàn xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều nhiều DN Việt Nam thiếu là kỹ năng chào hàng, quảng bá và khẳng định chất lượng hàng bán trên nền tảng Internet và kết nối với các nền tảng TMĐT có ảnh hưởng lớn trong nước và quốc tế như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo hay Amazon, Ebay… Theo đại diện Bộ Công Thương, TMĐT là con đường, là xu hướng bán hàng thời công nghệ và là cách kết nối nhanh nhất, hiệu quả nhất cung - cầu giữa DN và người mua tiềm năng. Do đó, bản thân các DN phải chủ động và nỗ lực học hỏi cách bán hàng mới để theo kịp xu thế thời đại.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách về TMĐT, theo hướng thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thị trường minh bạch, tăng niềm tin với người tiêu dùng và bảo vệ các DN, các chủ thể bán hàng uy tín.

Chuyên đề