Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển động theo xu hướng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ ngày 15 tháng 12 năm 2023, Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có hiệu lực thi hành. Bộ chỉ tiêu này được xem là cơ sở để giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đồng thời sẽ thúc đẩy các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp chuyển động theo xu thế xanh.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã và đang làm gắn với 2 câu chuyện: nhà máy xanh và sản phẩm xanh Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã và đang làm gắn với 2 câu chuyện: nhà máy xanh và sản phẩm xanh Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Thỏa thuận xanh EU: Thách thức và cơ hội

Là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đi đầu thế giới trong các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải trong những năm qua. EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như: Chiến lược “Từ nông trại tới bàn ăn”; Thuế carbon tại biên giới (CBAM); Quy định về chống phá rừng (EUDR); Chiến lược “Dệt may bền vững và tuần hoàn”… Danh sách này tiếp tục được nối dài, chưa kể mỗi quốc gia thành viên lại có những hành động riêng để cụ thể hóa thoả thuận này.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát nhanh thực hiện vào tháng 8/2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 88 - 93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam. Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong DN biết rõ về Thỏa thuận xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8 - 12%).

Mặc dù những văn kiện trên mới chỉ là định hướng chính sách, nhưng theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, chúng sẽ có tác động không nhỏ đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thách thức sẽ lớn hơn nhiều so với trước, bởi có thêm các tiêu chuẩn xanh mới, nâng cấp tiêu chuẩn hiện tại theo hướng cao hơn, khắt khe và khó khăn hơn nhiều hay mở rộng phạm vi áp dụng. Tùy từng DN, thách thức có thể là ở năng lực chuyển đổi công nghệ, kiểm soát chuỗi cung cấp, kỹ năng lao động hay năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin, đặc biệt là khả năng chi trả hay đầu tư để chuyển đổi.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, cà phê - ca cao là một trong 3 ngành hàng (cùng với gỗ, cao su) đang chịu tác động của chính sách EUDR. Việt Nam đang làm tốt việc bảo vệ rừng và sản xuất tốt, nhưng chưa có sự thống nhất về bản đồ diện tích đất rừng, đất nông nghiệp. Trong khi đó, EUDR đòi hỏi phải truy xuất nguồn gốc từ vườn cây, diện tích có ảnh hưởng tới đất rừng hay không. Để làm được thì DN sẽ mất nhiều thời gian, chi phí.

Mặt khác, chỉ cần một ngành hàng bị EU đưa vào diện vùng sản xuất rủi ro cao thì cả ba ngành hàng đều bị áp tỷ lệ kiểm tra hàng hoá ở mức 9%, từ đó làm gia tăng chi phí cho DN.

Chủ động chuyển đổi để nắm bắt cơ hội

Mặc dù có nhiều thách thức để đáp ứng tiêu chuẩn xanh mới của EU, nhưng theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, DN Việt Nam vẫn còn nhiều thời gian chuẩn bị, vì hầu hết các chính sách chưa có hiệu lực bắt buộc áp dụng, có lộ trình thực thi dài với mức độ yêu cầu sẽ được nâng dần lên.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, bên cạnh thách thức, các DN có nhiều điểm thuận lợi trong chuyển động theo xu hướng xanh do các bộ, ngành đang tích cực vào cuộc để cụ thể hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh và đang xây dựng cơ chế sandbox cho kinh tế tuần hoàn để trình Chính phủ.

Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, cho đến phản ánh mức độ "xanh hoá" trong các ngành kinh tế. Bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham khảo nhiều tài liệu của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI)…, nên rất hữu dụng với các DN nói chung, nhất là DN có vị thế xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Theo TS. Võ Trí Thành, chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam không chỉ ở thị trường EU mà còn ở các thị trường phát triển khác đang hành động tương tự EU như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia… Ban đầu, chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư cao, nhưng cũng có thể là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN trong dài hạn.

Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, áp dụng tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may không phải là vấn đề mới, nhiều DN trong ngành đã và đang làm gắn với 2 câu chuyện: nhà máy xanh và sản phẩm xanh.

“Mấu chốt của DN là phải chủ động nắm bắt thông tin dựa trên yêu cầu của nhà mua hàng, đối tác để xác định chính xác việc phải làm. Nếu đầu tư sớm cho chuyển đổi xanh, cơ hội được tham gia cuộc chơi sẽ lớn hơn”, ông Vương Đức Anh chia sẻ.

Chuyên đề