Thúc đẩy đầu tư công để vực dậy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đi qua quý I/2023 với tăng trưởng thấp, khu vực kinh tế tư nhân bộc lộ rất nhiều khó khăn, đang chờ đợi những giải pháp kịp thời về chính sách. Ở khu vực công, đầu tư công (ĐTC) được Chính phủ nhận diện và kỳ vọng là 1 trong 3 động lực thúc đẩy tăng trưởng, song tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC quý I/2023 đang ở mức thấp. Việc tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng là bài toán lớn với lãnh đạo các địa phương…
Dòng vốn đầu tư công được khơi thông tại các địa phương sẽ tạo đà hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trở lại nhịp tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên
Dòng vốn đầu tư công được khơi thông tại các địa phương sẽ tạo đà hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trở lại nhịp tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Khu vực tư nhân bộn bề khó khăn

Kết quả Khảo sát PCI 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, với khối doanh nghiệp (DN) tư nhân, quy mô hoạt động, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh đều ở mức thấp kể từ đại dịch Covid-19. Năm 2022 chỉ 42,6% DN tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ DN báo lỗ năm 2022 là 35,3%, cao hơn năm 2019 (23,4%). Đây là những chỉ báo cho thấy, khối DN tư nhân trong nước đang rất khó khăn và vẫn trong giai đoạn chật vật tìm con đường tăng trưởng dù đại dịch Covid-19 đã được khống chế.

Về mức độ lạc quan, 35% DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, tăng nhẹ so với mức 34% của năm 2021; trong khi 10,7% DN dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa DN, tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), những bất ổn kinh tế toàn cầu đã khiến khối này tỏ ra e dè trong việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, chỉ 33% DN FDI có dự định gia tăng quy mô trong 2 năm tiếp theo. Trong lần khảo sát PCI 2021, tỷ lệ này là 47,7%. Có 6,2% DN FDI đã mở rộng quy mô đầu tư trong năm 2022, thấp hơn năm 2020 (8,4%) và 2021 (7,8%).

Một kết quả khảo sát độc lập khác vừa được Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho thấy, mặc dù ghi nhận một số cải thiện của nền kinh tế Việt Nam, nhưng các DN vẫn giữ thái độ thận trọng, chỉ số đo lường tâm lý kinh doanh của cộng đồng nhà đầu tư và DN châu Âu tại Việt Nam (BCI) ổn định ở mức 48 điểm trong quý I/2023.

Tình trạng khó khăn ngấm sâu của DN thể hiện rõ qua con số tăng trưởng quý I/2023 của các địa phương. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tỉnh có tăng trưởng GRDP âm trong quý I/2023 gồm: Bắc Ninh (-11,85%), Quảng Nam (-10,88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-4,75%), Vĩnh Phúc (-2,47%), Quảng Ngãi (-1,07%). Riêng Bắc Ninh, quý I/2023 là quý I có mức sụt giảm nhiều nhất kể từ năm 2019 đến nay, trái ngược với kịch bản tăng trưởng kinh tế lạc quan của Tỉnh dự kiến tăng 6,3%.

Để thúc đẩy đầu tư công, cần giải quyết thấu đáo vấn đề thiếu hụt nguyên vật liệu xây dựng. Ảnh: Tiên Giang

Để thúc đẩy đầu tư công, cần giải quyết thấu đáo vấn đề thiếu hụt nguyên vật liệu xây dựng. Ảnh: Tiên Giang

Thúc đẩy vốn đầu tư công, cách nào?

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Hưng Yên cho biết, quý I/2023, Tỉnh đạt mức tăng trưởng GRDP 8,1%, lọt Top 5 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước. Kết quả này có sự đóng góp đáng kể của ĐTC. “Đẩy mạnh ĐTC là nhiệm vụ mà lãnh đạo tỉnh Hưng Yên rất coi trọng, là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Để phát triển phát triển kinh tế - xã hội, cũng như dẫn dắt nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, ĐTC phải là tiên phong”, ông Văn nhấn mạnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, lãnh đạo Tỉnh xem thúc đẩy giải ngân ĐTC là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Mục tiêu cao nhất đặt ra trong năm nay là đến ngày 31/1/2024 phải hoàn thành giải ngân 100% vốn ĐTC của năm 2023. Cũng theo ông Nghĩa, Đồng Tháp xác định ĐTC là động lực quan trọng, là đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư của tư nhân, từ đó kích thích đầu tư tư nhân và bù đắp phần khó khăn hiện nay của các DN.

Từ tư duy trên, tại Đồng Tháp, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mức cao nhất trong 10 trở lại đây. Quý I/2023, GRDP của Tỉnh tăng trưởng 5,01%. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,92%, trong đó, vốn ĐTC ước đạt 1.248,017 tỷ đồng, tăng 40,25% so với cùng kỳ năm 2022.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2022, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân nằm trong TOP 10 tỉnh thành cao nhất cả nước; quý I/2023 đạt 13,23%, trên mức trung bình. Tuy sát sao thúc đẩy giải ngân ĐTC, nhưng tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi quý I cũng vẫn âm 1,07%, do những khó khăn chung của nền kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 địa phương tăng trưởng cao nhất trong quý I/2023 là Hậu Giang (12,67%), Bình Thuận (9,86%), Hải Phòng (9,65%), Khánh Hòa (9,07%), Cà Mau (9,05%). Một số chuyên gia cho rằng, để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu trong các quý tới, các địa phương cần mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy ĐTC để tạo động lực kích cầu nền kinh tế đang sa sút hiện nay.

Từ góc nhìn thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, rào cản lớn nhất đối với ĐTC hiện nay là tâm lý ngần ngại, sợ sai của nhà thầu, của DN và của hệ thống chính trị chính quyền địa phương. Cùng với đó là nguyên vật liệu có chiều hướng tăng giá, cát san lấp rất hiếm. Lãi vay tăng cao, ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của DN… Trong bối cảnh này, để thúc đẩy ĐTC, ông Nghĩa mong rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần giải quyết thấu đáo vấn đề nguyên vật liệu xây dựng như cát san lấp hoặc tìm kiếm nguyên vật liệu thay thế. Đồng thời, cần nghiên cứu giảm bớt các thủ tục để DN sớm tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng nhanh, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhà thầu và DN trong thời gian tới.

Một số lãnh đạo tỉnh cho biết, bên cạnh các khó khăn khách quan, vướng mắc chủ yếu hiện nay trong thúc đẩy đầu tư khu vực tư cũng như khu vực công liên quan đến thể chế, chính sách pháp luật. Giải pháp được mong đợi nhất là Chính phủ sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để khơi thông nguồn lực đầu tư xã hội. Nếu dòng vốn ĐTC được khơi thông tại tất cả các địa phương, sẽ tạo đà hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trở lại nhịp tăng trưởng.

Chuyên đề