Thời gian qua có sự bùng nổ dự án năng lượng tái tạo, nhưng hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm đến hợp đồng chuyển giao công nghệ. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều doanh nghiệp (DN) năng lượng Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến các hợp đồng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này để tiến tới làm chủ công nghệ.
Chưa quan tâm chuyển giao công nghệ lĩnh vực năng lượng
Quan sát việc sử dụng năng lượng hiện nay tại Việt Nam, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, người dân, DN còn thiếu quan tâm tới tiết kiệm năng lượng. Mỗi năm, có khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng (công nghiệp, dân dụng, công cộng). Chỉ cần tiết kiệm được ½ số năng lượng này, chúng ta sẽ xây dựng được một nhà máy điện hạt nhân khoảng 4.000 MW.
Đối với việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, ông Quân nhận xét, thời gian qua có sự bùng nổ dự án năng lượng tái tạo, góp phần giảm áp lực nguồn điện. Thế nhưng, hầu hết DN Việt Nam không quan tâm đến hợp đồng chuyển giao công nghệ mà chỉ chú trọng đến hợp đồng kinh tế. Trong hợp đồng kinh tế, DN có thể tiếp nhận công nghệ, dây chuyền sản xuất, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng dự án năng lượng, nhưng hợp đồng chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ thì lại không được quan tâm.
Trước diễn biến mới của kinh tế toàn cầu, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng cần có cách tiếp cận an ninh năng lượng mới. Theo ông Thiên, cách tiếp cận phải bằng cơ chế thị trường, trong đó có cơ chế giá điện.
Dẫn số liệu của Bộ Công Thương, ông Thiên cho biết, giá điện bình quân của thế giới là 14 cent/kWh, nhưng Việt Nam là 7 cent/kWh, là rất thấp. Nếu giá điện tốt thì người ta sản xuất nhiều, nếu không thì sản xuất ít và tiêu dùng không cần tiết kiệm. “Thời gian qua, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này chất lượng chưa cao, một trong những nguyên nhân là do giá điện chưa cao, nên chưa khuyến khích dự án đầu tư sử dụng công nghệ tốt”, ông Thiên nêu nguyên nhân.
Thúc đẩy bằng cách nào?
Các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, phải đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bằng việc thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Ông Cao Đức Phát, Phó ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần thiết thúc đẩy chủ trương tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng như một giải pháp ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển năng lượng. Theo đó, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện về thể chế chính sách với việc xây dựng một hệ thống thể chế thị trường đồng bộ và hiệu quả, trong đó có vấn đề giá điện để có thể tạo động lực, khuyến khích đầu tư và tiêu dùng hiệu quả.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, ông Nguyễn Quân cho rằng, đã qua thời chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá. Hiện là lúc chúng ta yêu cầu DN nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam thì phải có giải pháp chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, phải có các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam để người Việt Nam tham gia vào quá trình này, tiến tới tiếp nhận công nghệ và làm chủ công nghệ. “Rất mong các DN khi làm các hợp đồng kinh tế giữa DN trong nước với DN nước ngoài nên quan tâm đến hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ, bởi căn cứ vào hợp đồng này chúng ta mới có thể tiếp cận công nghệ một cách thuận lợi nhất, có cơ hội để làm chủ công nghệ, tiến tới đưa các dự án này vào sử dụng hiệu quả”, ông Quân khuyến nghị.
Trước diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, liên quan đến di chuyển công nghệ, nhiều dự báo cho thấy, nhiều khả năng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng. Đón đầu cơ hội này, theo ông Trần Đình Thiên, vấn đề đảm bảo năng lượng cho sản xuất kinh doanh là rất quan trọng. Để tránh thiếu hụt năng lượng, Việt Nam cần có thay đổi cơ bản trong cách nhìn nhận về thị trường, trong đó có vấn đề giá điện để không làm méo mó thị trường.