Thủ tướng lội nước, thị sát phố cổ Hội An

Chiều 7/11, từ Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) để kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 12.
Ảnh VGP
Ảnh VGP

Đi bộ dọc phố cổ Hội An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình mưa lũ, hỏi thăm, động viên người dân.

Sau đó, Thủ tướng có cuộc làm việc nhanh với lãnh đạo thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Báo cáo của UBND TP Hội An cho biết, trong 3 ngày 5, 6 và 7 tháng 11/2017, do mưa lớn kéo dài, kết hợp thủy triều dâng cao, nhân dân thành phố Hội An đã và đang trải qua cơn lũ kéo dài (đỉnh lũ được ghi nhận là 3,17m lúc 1h30 sáng ngày 6/11, trên mức báo động III là 1,17m).

Theo ghi nhận của Trạm thủy văn Hội An vào lúc 15 giờ 40 phút ngày 7/11, mực nước đo được là 2,32m, trên mức báo động III là 0,32m.

Nước lũ đang xuống chậm. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam thì tối nay mực nước lũ tại Hội An giảm còn 2,1 m trên mức báo động III là 0,1m.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc nhanh với lãnh đạo Hội An, Quảng Nam. Ảnh VGP

Nhờ thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, cùng sự chủ động ứng phó và kinh nghiệm sống chung với lũ qua nhiều năm của chính quyền địa phương và nhân dân Thành phố, đến giờ này, Thành phố chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, phục vụ các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC, trước mắt, UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vi liên quan chủ động phối hợp Công ty CP Công trình công cộng thực hiện dọn bùn và rác theo phương châm “nước rút đến đâu, dọn vệ sinh đến đó”; đồng thời, vận động nhân dân chủ động dọn vệ sinh trong nhà và ngoài phố.

Bắt đầu từ ngày mai, cùng với sự hỗ trợ của Quân khu V (500 chiến sĩ), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam (80 chiến sĩ), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh Quảng Nam (50 chiến sĩ), Công an tỉnh Quảng Nam, chính quyền thành phố chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an, biên phòng và toàn thể nhân dân chủ động phân nhóm dọn dẹp vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.

Tập trung quyết liệt khắc phục hậu quả mưa lũ

Chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của người dân tỉnh Quảng Nam do bão số 12 gây ra khi hiện nay, mực nước nhiều con phố vẫn ở mức báo động 3, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của tỉnh Quảng Nam, TP Hội An, nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm lương thực, nước uống cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam, TP. Hội An cùng các ngành chức năng huy động mọi lực lượng, nhất là quân đội, công an, thanh nhiên và nhân dân chủ động khắc phục hậu quả mưa bão để sớm ổn định cuộc sống, hoạt động trở lại bình thường.

Là một trong những khu vực tổ chức các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục thực hiện phương châm nước rút đến đâu, dọn dẹp vệ sinh, môi trường đến đó, không để xảy ra dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống cho người dân, không làm gián đoạn việc học hành của học sinh.

Với tinh thần tập trung quyết liệt, công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại phố cổ Hội An là việc làm cấp bách để bảo đảm cho du khách, nhất là các đại biểu dự APEC đến thăm, Thủ tướng đề nghị không để phố cổ Hội An bị phá vỡ do nước dâng; tiếp tục trình cơ chế, chính sách để trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa Hội An.

Ảnh VGP

* Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 12 là cơn bão mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), đổ bộ vào đất liền tại khu vực nam Phú Yên-bắc Khánh Hòa vào khoảng từ 5-6 h ngày 4/11, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Trong những ngày qua, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được tại một số trạm ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và tỉnh Gia Lai từ 500-600 mm, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Nam và Bình Định trên 700 mm, gây ngập lụt các vùng trũng, thấp, ven sông suối.

Lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực nam Tây Nguyên lên nhanh; trên sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) có thể xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1999; sông Thu Bồn tương đương lũ lịch sử năm 2007.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực này có thể sẽ tiếp tục có mưa rất to trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn và đặc biệt lớn, nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi và sạt lở đất, lũ quét tại miền núi; ngập lụt sâu trên diện rộng, chia cắt cục bộ tại các vùng thấp trũng, ven sông suối.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà, động viên người dân. Ảnh VGP

Thủ tướng quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương

Chiều 6/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 12.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau bão số 12 là lũ lụt lớn, gây thiệt hại nặng nề tính mạng và tài sản của nhân dân 9 địa phương miền Trung và Tây Nguyên; sau lũ lụt là nguy cơ dịch bệnh, thiếu đói. Bão số 12 cường độ cao, diện rộng kéo dài, nhưng công tác chỉ huy ứng phó đã được thực hiện tốt. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống lụt bão, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã kịp thời dự báo, đi chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường để hạn chế tối đa thiệt hại. Công tác dự báo có tiến bộ, công tác điều tiết hồ chứa được làm tốt, không có hồ nào bị vỡ, đây là bài học kinh nghiệm tốt. Công tác chỉ đạo chủ động, nhiều giải pháp sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, lực lượng quân đội, công an.   

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các cấp, các ngành trong việc ứng phó, khắc phục thiệt hại bão 12. Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước chia sẻ những thiệt hại của nhân dân; chia buồn, gửi lời thăm hỏi đến những gia đình bị thiệt hại, thân nhân những người bị nạn.

Ảnh VGP

Thủ tướng quyết định hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, dự kiến mỗi tỉnh khoảng 500 tấn gạo, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nhẹ mỗi tỉnh khoảng 100 - 200 tấn, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với một số bộ, ngành liên quan sớm trình phương án hỗ trợ các địa phương thiệt hại nặng theo thứ tự ưu tiên để khôi phục đời sống nhân dân; dự kiến nguồn kinh phí này khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt để nhân dân không bị đói, không lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất", sớm trở lại cuộc sống bình thường, nhất là bảo đảm tổ chức tốt sự kiện APEC.

Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại; các cơ quan chức năng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện; lực lượng Quân khu 5 dừng việc huấn luyện để tập trung khắc phục giúp nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực tự cường của các địa phương trong vùng bão lũ;...

Ảnh VGP

Bên cạnh đó, các bộ có chức năng phải trực tiếp đi xuống các địa phương để kiểm tra, xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra ở địa phương, ví dụ, Bộ Giao thông vận tải phải bảo đảm giao thông thông suốt, không bị ách tắc; Bộ Công Thương bảo đảm hàng hóa cần thiết; Bộ NN&PTNT tổng hợp, đề xuất hỗ trợ giống các loại để cho vụ Đông.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đi sâu đi sát hỗ trợ địa phương trong lúc khó khăn này. "Phải giải quyết gạo đến dân kịp thời nhất, cơ số thuốc mà Bộ Y tế giải quyết cho các địa phương phải đưa đến dân sớm nhất. Đề phòng dịch bệnh sau lũ cần phải làm ngay, chứ không phải có dịch bệnh rồi mới làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyên đề