Thủ tướng gợi ý 6 giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu khai mạc Lễ Khánh thành cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hoà Lạc) và Khai mạc Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023) sáng 28/10, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một sự kiện 2 trong 1 rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ gợi ý 6 giải pháp để thúc đẩy ĐMST phát triển bứt phá.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Lễ Khánh thành cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hoà Lạc) và Khai mạc Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Lễ Khánh thành cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hoà Lạc) và Khai mạc Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023)

Xu hướng tất yếu

Mở đầu bài phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng bày tỏ vui mừng được tham dự sự kiện Khai mạc Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam (VIIE 2023) và Lễ Khánh thành NIC đầu tiên của đất nước. Đây là một sự kiện 2 trong 1 rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, thế giới đã và ngày càng phát triển bởi những tiến bộ của KHCN và ĐMST. ĐMST đang là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan, sự lựa chọn chiến lược và là một trong một lựa chọn hàng đầu của nước ta để hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no. Đảng, Nhà nước đã sớm quan tâm với nhiều chủ trương, chỉ đạo xuyên suốt qua các thời kỳ để phát triển KHCN, ĐMST với quan điểm đề cao KHCN, ĐMST phải là quốc sách hàng đầu. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhấn mạnh, KHCN giữ vai trò then chốt trong việc phát triển sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển KHCN nhằm đẩy mạnh mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới.

Nhìn lại hơn 3 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Thủ tướng cho hay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Năm 2022, Việt Nam thuộc Top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn trên thế giới; xuất nhập khẩu có quy mô top 20 toàn cầu… Dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng nhấn mạnh, đúng như đánh giá đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đạt được có đóng góp rất lớn của KHCN, ĐMST. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra, kinh tế đất nước vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Phát triển KHCN, ĐMST tuy đã có những bước phát triển, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.

“Chúng ta không thể không băn khoăn, trăn trở, có trách nhiệm khi tốc độ chỉ tiêu tăng năng suất lao động còn chưa cao”, Thủ tướng bày tỏ.

Lễ Khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, ngày 28/10. Ảnh: Lê Tiên

Lễ Khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, ngày 28/10. Ảnh: Lê Tiên

KHCN, ĐMST lời giải cho bài toán đưa đất nước tiến lên

Theo Thủ tướng, lời giải cho bài toán phát triển bao trùm, bền vững đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, phát triển nhanh và bền vững phải trên cơ sở KHCN, ĐMST và chuyển đổi số phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Hiện thực hoá mục tiêu này, Chính phủ đã và đang triển khai các chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Thời gian qua, các cấp, các ngành và cả xã hội đã quan tâm thúc đẩy khởi nghiệp, thúc đẩy KHCN, ĐMST với những hành động thiết thực.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao ý tưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong việc hình thành, xây dựng NIC và thực hiện các hoạt động kết nối đầy đủ các chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST Việt Nam thông qua VIIE 2023 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

“VIIE 2023 đã giới thiệu và lan toả hình ảnh quốc gia về ĐMST tới công chúng và cộng đồng quốc tế, cho thấy tiềm năng, lợi thế và những bước tiến của Việt Nam về ĐMTS cũng như tiếp cận thành tựu của cuộc CMCN4.0 trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, Thủ tướng nhận xét.

Lãnh đạo Chính phủ cũng bày tỏ vui mừng khi có nhiều đối tác từ Hoa Kỳ tham gia để cụ thể hoá các thoả thuận hợp tác với NIC trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ diễn ra gần đây; niềm vui khi thấy có nhiều DN trong lĩnh vực ĐMST đến từ nhiều quốc gia khác đã có mặt và hưởng ứng tích cực sự kiện… “Tôi cảm nhận được tinh thần quyết tâm, khát khao ĐMST của các tổ chức, DN với người dân Việt Nam. Tin tưởng rằng, với năng lực ĐMST của các thành tố trong hệ sinh thái sẽ thành công”, Thủ tướng chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, tư duy đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược nhưng cũng cần phải được hiện thực hoá bằng những việc làm, bước đi cụ thể thực chất và hiệu quả. VIIE 2023 được khai mạc hôm nay đồng thời cùng với Lễ Khánh thành NIC Hòa Lạc cũng chính là hiện thực hoá công cuộc ĐMST bước vào giai đoạn mới. Thủ tướng tin tưởng việc khánh thành NIC Hoà Lạc sẽ tạo ra không gian ĐMST cho đất nước thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển trở thành mô hình phát triển đất nước, qua đó góp phần tạo nên biểu tượng mới cho Việt Nam là điểm đến của ĐMST.

“Độc lập, tự chủ nhưng phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng vươn lên bằng KHCN và ĐMST thì Việt Nam mới có thể bắt kịp, đi cùng và tiến lên đi cùng thế giới trên con đường phát triển nhanh, bền vững và hấp thụ tốt nhất tiến bộ”, Thủ tướng nhìn nhận.

Thủ tướng tin tưởng việc khánh thành NIC Hoà Lạc sẽ tạo ra không gian ĐMST cho đất nước thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển trở thành mô hình phát triển đất nước, qua đó góp phần tạo nên biểu tượng mới cho Việt Nam là điểm đến của ĐMST. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng tin tưởng việc khánh thành NIC Hoà Lạc sẽ tạo ra không gian ĐMST cho đất nước thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển trở thành mô hình phát triển đất nước, qua đó góp phần tạo nên biểu tượng mới cho Việt Nam là điểm đến của ĐMST. Ảnh: Lê Tiên

Khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc hoàn thành và đưa NIC Hòa Lạc vào khai thác là sự khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới trong việc cung cấp hạ tầng đồng bộ, góp phần đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa hệ sinh thái ĐMST Việt Nam. Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của NIC Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan cần mạnh dạn quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đó, Thủ tướng gợi ý 6 nhiệm vụ trọng tâm để đưa ĐMST cất cánh.

Một là, hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động ĐMST Việt Nam đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái, đặc biệt là các DN khởi nghiệp ĐMST, trong đó cần nghiên cứu mạnh dạn triển khai thử nghiệm cơ chế đặc thù cho các lĩnh vực ĐMST có tiềm năng tạo bứt phá cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Hai là, tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển lĩnh vực có hàm lượng KHCN cao cũng như mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam giai đoạn tới như: công nghiệp bán dẫn, hydrogen, y tế… Chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng khác.

Ba là phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả bền vững, toàn diện giữa các chủ thể hệ sinh thái ĐMST, bao gồm: các DN khởi nghiệp ĐMST, khối viện - trường…

Ảnh: Lê Tiên

Ảnh: Lê Tiên

Bốn là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực để thúc ĐMST. “Tôi trân trọng đề nghị các đại sứ quán, tổ chức thế giới, đặc biệt là lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tham dự chương trình này đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ các DN trong hệ sinh thái ĐMST Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để NIC Hoà Lạc sớm triển khai vận hành, thu hút các đối tác đầu tư xây dựng xây dựng cơ sở nghiên cứu phát triển đặt tại đây. Cùng với đó, hoàn thiện hạ tầng giao thông, dịch vụ công nghệ cao của Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT đề xuất báo cáo chính sách phù hợp để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy hợp tác ĐMST trong nước và quốc tế.

Sáu là, đề nghị các bộ, ngành và địa phương tích cực, chủ động phối hợp để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra trong việc phát triển hệ sinh thái ĐMST, trong đó luôn đặt DN và người dân là trọng tâm của ĐMST. Tập trung xây dựng hoàn thiện các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đặt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng…

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúc NIC ngày càng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động ĐMST Việt Nam. Chúc VIIE 2023 thành công, phát triển để góp phần đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm hội tụ ĐMST và lan toả lợi ích trong kỷ nguyên số của khu vực và thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Tôi rất xúc động khi chứng kiến khoảnh khắc tham gia khánh thành NIC Hoà Lạc hôm nay. Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới để đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ trong việc thúc đẩy KHCN, phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Những kết quả đã đạt được trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như những thông điệp được chuyển tải trong buổi lễ hôm nay là rất đáng trân trọng, hết sức có ý nghĩa trong việc thể hiện khát vọng thịnh vượng cho quốc gia, sự tin tưởng vào một giai đoạn phát triển mới của đất nước dựa vào KHCN, ĐMST”.

Chuyên đề