Thủ tướng Anh Theresa May tại Quốc hội hôm 25/3 - Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Anh Theresa May dự kiến sẽ có một bài phát biểu trước các nghị sỹ trong Đảng Bảo thủ của bà vào ngày thứ Tư, hãng Reuters đưa tin.
Bài phát biểu này được cho sẽ là nỗ lực cuối cùng của bà May nhằm giành sự ủng hộ đối với thỏa thuận Brexit mà bà phải mất gần 2 năm mới đàm phán xong với Liên minh châu Âu (EU), sau khi thỏa thuận này đã hai lần bị Quốc hội "gạt phăng".
Hôm thứ Hai tuần này, Quốc hội Anh đã bất ngờ giành quyền kiểm soát Brexit khỏi tay bà May. Tuy nhiên, vị Thủ tướng vẫn còn một chút hy vọng về thỏa thuận Brexit của mình - thỏa thuận mà bà cho là cách duy nhất để đảm bảo một cuộc ra đi có trật tự khỏi EU và bảo vệ được nền kinh tế Anh.
Một số nghị sỹ có quan điểm hoài nghi về hội nhập châu Âu nói rằng họ có thể ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà May trước khi bầu ra một nhà lãnh đạo mới cho giai đoạn đàm phán tiếp theo với EU. Tuy nhiên, cũng có nhiều nghị sỹ nghi ngờ về khả năng bà May từ chức nếu không có một sự đảo bảo chắc chắn cho thỏa thuận của bà.
Vào ngày thứ Ba, bà May lẽ ra có thể đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Quốc hội một lần nữa, nhưng một phát ngôn của bà nói rằng bà sẽ không làm như vậy một khi chưa tập hợp đủ sự ủng hộ.
Theo lời vị phát ngôn viên, bà May sẽ "tích cực tương tác" với các nghị sỹ nhưng cũng cảnh báo rằng sẽ không có tác dụng gì nếu các nghị sỹ tiếp tục theo đuổi những lựa chọn mà EU không muốn đàm phán.
Vào ngày thứ Tư, Quốc hội Anh dự kiến sẽ thảo luận về các lựa chọn khác nhau cho Brexit, sau đó tiến hành một cuộc bỏ phiếu đối với các lựa chọn này.
Theo truyền thông Anh, hiện đang có một số lựa chọn Brexit được đưa ra, bao gồm: Chính phủ Anh đàm phán về một liên minh hải quan mới với EU sau Brexit; Anh vẫn ở trong khối thị trường chung thông qua một thỏa thuận hải quan đặc biệt; và Anh ở trong khối thị trường chung nhưng không có thỏa thuận hải quan.
Ngoài ra, Quốc hội Anh cũng sẽ lựa chọn giữa rời EU không có thỏa thuận hoặc không Brexit nữa.
Đối với các nghị sỹ chỉ trích thỏa thuận Brexit của bà May, việc tiếp tục giữ những mối ràng buộc với EU sau Brexit, hoặc trì hoãn kéo dài Brexit là những điều khiến họ phản đối nhiều nhất.