Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Nghiên cứu kỹ cơ chế đặc thù cho Phú Quốc và định hướng lấn biển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với địa hình tự nhiên có đường bờ biển dài, vùng biển rộng và nhiều đảo, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc - thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, Kiên Giang đã lựa chọn các kịch bản, định hướng phát triển, cũng như quy hoạch tầm nhìn nhằm phát huy tối đa lợi thế tự nhiên này, hướng tới trở thành một trung tâm kinh tế biển của quốc gia, phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị thẩm định Dự thảo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị thẩm định Dự thảo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương nhấn mạnh, việc nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ góp phần phát huy hiệu quả các lợi thế của Tỉnh, phát triển tỉnh Kiên Giang trở thành một trung tâm kinh tế biển của quốc gia, phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế.

Dự thảo Quy hoạch Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của quốc gia; trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ hướng biển.

Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống cao ở khu vực Tây Nam Bộ, là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo.

Với vị trí, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, Kiên Giang có đủ động lực để thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, đảo Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan trực thuộc Tỉnh có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh đó, Kiên Giang là cửa ngõ hướng ra biển Tây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thềm lục địa và lãnh hải lớn, ngư trường rộng nên có tiềm năng và lợi thế để phát triển toàn diện kinh tế biển - đảo trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là du lịch biển với điểm nhấn Phú Quốc, khu kinh tế biển và khu đô thị ven biển.

Tính đến nay, Kiên Giang có tổng cộng 470 tài nguyên văn hóa, lịch sử, trong đó trại giam Phú Quốc là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Phú Quốc cũng được thống kê là nơi có nhiều di tích, tài nguyên nhất với 87 di tích, tài nguyên của Tỉnh (tính cả tài nguyên tiềm năng chưa được khai thác).

Như vậy, thành phố biển đảo Phú Quốc luôn được xác định là một trong những hạt nhân quan trọng nhất đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh Kiên Giang trong thời kỳ tới.

Một trong bốn đột phá được Quy hoạch Tỉnh xác định chính là phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang kiến nghị với Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù phát triển cho TP. Phú Quốc với 6 nhóm chính sách ưu đãi. Đó là, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm tăng tính kết nối; quản lý và phát triển nguồn nhân lực; các ưu đãi liên quan đến tài chính như ưu đãi thuế, chính sách tài chính tiền tệ, tiền lương, hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu đãi đất đai và xúc tiến đầu tư; phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng; đầu tư và hợp tác quốc tế.

Liên quan đến nhóm chính sách ưu đãi về hạ tầng kết nối, Kiên Giang sẽ kêu gọi đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc với công suất tăng từ 4 lên 10 triệu khách/năm, đáp ứng đà tăng trưởng của du lịch Phú Quốc và Kiên Giang trong thời kỳ tới. Hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng và nội vùng có chất lượng cao, nâng cấp hệ thống giao thông đến các khu vực có thể khai thác tài nguyên trở thành sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi tài chính phải đột phá, khác biệt so với các chính sách đang áp dụng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế tại các địa phương khác.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế tại Phú Quốc cần được đẩy mạnh thông qua ban hành cơ chế phân quyền, giao quyền cho TP. Phú Quốc để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, chi phí đi lại cho nhà đầu tư. Đây là lợi thế rất lớn cho Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng để tận dụng được ngân sách đầu tư nhà nước, cũng như kêu gọi vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đối với đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù cho TP. Phú Quốc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Kiên Giang (Văn bản số 367/BKHĐTKTĐPLT ngày 18/1/2022) về chủ trương xây dựng đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách cho TP. Phú Quốc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của tỉnh Kiên Giang.

“Để TP. Phú Quốc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, việc xây dựng một số cơ chế đặc thù cho TP. Phú Quốc là cần thiết. Nhưng thẩm quyền quyết địnhq cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Phú Quốc có thể phải là Trung ương hoặc Quốc hội, trong khi đó Quy hoạch Tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, chưa rõ cơ chế, chính sách đặc thù được quyết định như thế nào, thì liệu có nên đưa đây là một đột phá trong Quy hoạch Tỉnh hay không? Theo tôi cần cân nhắc kỹ hơn về đột phá này”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý.

Kiên Giang lựa chọn phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù và lấn biển theo định hướng sáng tạo là 2 trong 4 đột phá phát triển thời kỳ tới. Ảnh: Đức Trung

Kiên Giang lựa chọn phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù và lấn biển theo định hướng sáng tạo là 2 trong 4 đột phá phát triển thời kỳ tới. Ảnh: Đức Trung

Lấn biển theo định hướng sáng tạo

Cũng xuất phát từ lợi thế có đường bờ biển dài trên 200 km và bờ biển nông, Kiên Giang có tiềm năng tăng diện tích đất bằng cách lấn biển, tạo các điểm nhấn đô thị độc đáo và phát triển các công trình hạ tầng quan trọng đẳng cấp quốc tế. Chính vì vậy, Dự thảo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang xác định, lấn biển theo định hướng sáng tạo là một trong bốn đột phá phát triển của Tỉnh trong thời kỳ tới. Cụ thể, lấn biển theo đường vòng cung, hoặc đường dẫn ra đảo, chứ không chỉ đơn thuần lấn biển tịnh tiến như hiện tại. Theo Dự thảo Quy hoạch Tỉnh, lấn biển theo đường vòng cung (tương tự cách làm của Dubai) sẽ giữ được nhiều không gian biển, tạo điểm nhấn cảnh quan sinh thái cho Kiên Giang.

Ngoài ra, Dự thảo Quy hoạch cũng đề ra định hướng xây dựng sân bay ở khu lấn biển Rạch Giá, thay sân bay Rạch Giá trong tương lai. Các địa phương lấn biển dự kiến bao gồm: TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc và Kiên Hải. Trong đó, lấn biển và xây dựng các đảo nhân tạo ở Hà Tiên sẽ đáp ứng tiêu chuẩn để Hà Tiên đạt chuẩn đô thị loại II.

Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch Tỉnh cũng chỉ rõ việc lấn biển cần phải cẩn trọng, chú ý đến các vấn đề về môi trường, tránh để lại hậu quả cho hệ sinh thái ven bờ, chất lượng nguồn nước, và hoạt động kinh tế biển của Kiên Giang. Thiết kế và vị trí của không gian lấn biển cần tuân thủ quy định hướng dẫn đánh giá tác động đối với môi trường ven biển. Những tác động này bao gồm: thay đổi hình dạng đường bờ biển, ảnh hưởng đến thủy động học, chuyển động của nước, quá trình vận chuyển bùn cát, dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng, làm mất môi trường sống và năng suất sinh học, ảnh hưởng đến sinh thái bản địa và đa dạng sinh học biển, những hệ lụy môi trường do khai thác và sử dụng vật liệu cho lấn biển làm thay đổi chất lượng môi trường nước, môi trường trầm tích khu vực lấn biển. Ngoài ra, thực hiện lấn biển còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với quy định của các luật có liên quan, phù hợp quy hoạch không gian biển quốc gia.

Do đó, Tỉnh xác định việc phê duyệt các dự án lấn biển cần phải xem xét các vấn đề sau. Thứ nhất, các nguyên tắc bảo vệ môi trường biển: có trách nhiệm và nghĩa vụ với môi trường, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện lấn biển, hạn chế thấp nhất tác động xấu tới môi trường. Thứ hai, các yêu cầu bảo vệ môi trường biển: dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định, có phương pháp, giải pháp kỹ thuật, vật liệu lấn biển phù hợp, vật liệu lấn biển không chứa chất phóng xạ, tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Thứ ba, quy định về khu vực lấn biển: cụ thể về vị trí, diện tích, ranh giới, tọa độ, hạn chế lấn biển tại các khu vực di sản thiên nhiên, vườn quốc gia, vườn di sản ASEAN, khu dự trữ thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển; khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực hành lang bảo vệ bờ biển. Thứ tư, lấn biển phải đảm bảo an ninh quốc phòng biển quốc gia.

Cho ý kiến về định hướng này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, theo Báo cáo trong giai đoạn 10 năm (2010 - 2020), tỉnh Kiên Giang đã lấn biển tại TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên được khoảng 300 ha. Trong khi đó, đề xuất lấn biển trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích rất lớn, gần 5.000 ha. Theo đó, cần thiết phải giải trình, làm rõ trong Quy hoạch lấn biển ở những vị trí nào, diện tích khoảng bao nhiêu, nguồn đất, cát ở đâu để lấn biển và ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học ra sao...

Chuyên đề