Thông thoáng đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 như một yếu tố cộng hưởng, làm rõ nét hơn những khó khăn, vướng mắc pháp lý tồn tại lâu nay trong lĩnh vực mua sắm, đấu thầu của ngành y tế. Sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 chuẩn bị đi vào cuộc sống với những nội dung được đánh giá cao, góp phần tạo sự chuyển biến lớn trong hoạt động mua sắm, đấu thầu lĩnh vực y tế.
Những quy định mới sẽ tạo thuận lợi cho công tác đấu thầu, mua sắm của ngành y tế, góp phần ngăn chặn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tái diễn. Ảnh: Lê Tiên
Những quy định mới sẽ tạo thuận lợi cho công tác đấu thầu, mua sắm của ngành y tế, góp phần ngăn chặn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tái diễn. Ảnh: Lê Tiên

Coi hàng hóa trong lĩnh vực y tế là đặc thù

Theo trưởng phòng vật tư của một bệnh viện lớn tuyến Trung ương, thời gian qua, ngành y tế chưa thực sự quan tâm đến việc chứng minh tính đặc thù, nên mặc nhiên hàng hóa y tế được xem như hàng hóa thông thường. Trong khi đó, thực tế, một số thuốc chỉ có 1 nhà sản xuất và ủy quyền cho 1 đến 2 nhà phân phối… Chính vì vậy, ngành y gặp không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến lúng túng trong hoạt động đấu thầu, mua sắm.

Chia sẻ về tính chất đặc thù của ngành y tế, ông Trần Thọ Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2 tại Hà Nội cho biết, việc dự trù kế hoạch mua sắm trong lĩnh vực y tế cũng khác với hàng hóa thông thường. Mô hình bệnh tật “thiên biến vạn hóa”, không theo quy luật, rất khó dự báo. Một số bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư… có chiều hướng gia tăng theo năm, nhưng một số bệnh lại xuất hiện theo mùa như sốt xuất huyết, bệnh dại, tay chân miệng... Một số bệnh có năm phát sinh một vài ca bệnh, có năm không, như vụ ngộ độc Botulinum xảy ra tại TP.HCM mới đây… Do đó, một số thuốc đặc trị có nhu cầu ít, sử dụng rải rác, chi phí vận chuyển lớn nên đấu thầu đi đấu thầu lại vẫn không có nhà cung cấp nào “mặn mà”, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc.

Trước tính chất đặc thù của Ngành, Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu phải có giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để những vấn đề bất cập, gây khó khăn, vướng mắc của hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Vì vậy, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có nhiều điều khoản để quy định riêng về cơ chế mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.

Với việc thay đổi cách tiếp cận và quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong Luật Đấu thầu năm 2023 nhiều chuyên gia kỳ vọng hoạt động mua sắm của ngành y sẽ thuận lợi, dễ dàng và mạch lạc hơn, giúp các chủ thể yên tâm, chủ động trong mua sắm và cung ứng kịp thời cho công tác khám bệnh, chữa bệnh (KCB).

Bổ sung hình thức mua sắm đặc thù

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, theo thông lệ quốc tế, mua sắm tập trung (MSTT) thường áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của Việt Nam, đối với các trường hợp thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít ở từng địa phương, đơn vị, nếu tổ chức đấu thầu riêng biệt thì sẽ khó lựa chọn được nhà cung cấp. Do vậy, để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu KCB, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung trường hợp MSTT đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít. Với quy định mới được bổ sung này, đơn vị MSTT có thể tổng hợp nhu cầu sử dụng ở nhiều địa phương, bệnh viện để tạo thành gói thầu mua sắm với số lượng lớn nhằm tăng tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu.

Quốc hội giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các danh mục MSTT cấp quốc gia đối với thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm trong trường hợp cần thiết. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục MSTT nhưng cần mua sắm để phòng, chống dịch bệnh đáp ứng điều kiện về chỉ định thầu thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Nếu hàng hóa thuộc danh mục MSTT đáp ứng được điều kiện đàm phán giá thì được áp dụng hình thức đàm phán giá. Luật cũng bổ sung quy định trường hợp hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục MSTT nhưng nhiều cơ quan, tổ chức có nhu cầu mua sắm cùng loại thì có thể gộp thành gói thầu để một đơn vị thực hiện MSTT.

Một số trường hợp được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để đáp ứng nhu cầu thực tiễn như: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, hoặc duy trì hoạt động của cơ sở KCB trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật KCB trong trường hợp cơ sở KCB không có đủ các mặt hàng này… Khi chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường, do yêu cầu về giải pháp công nghệ, theo quy định của Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ Y tế) có thể chủ động lựa chọn áp dụng một trong hai hình thức: chỉ định thầu hoặc đàm phán giá.

Giải quyết bất cập mô hình “máy đặt”, “máy mượn”

Mặc dù đáp ứng được nhu cầu thiết bị y tế của đa số các cơ sở y tế công lập trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhưng mô hình “máy đặt”, “máy mượn” đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, phát sinh tiêu cực. Không ít lần Bộ Tài chính phải “tuýt còi”, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam dừng thanh toán vì không đủ cơ sở pháp lý.

Bất cập xuất phát từ các nguyên nhân như không công khai được đơn giá đầu ra của từng dịch vụ kỹ thuật; hóa chất đã mua không được sử dụng hết khi hợp đồng đặt máy hết hạn, gây lãng phí; không bảo đảm tính công bằng, hiệu quả kinh tế do không cùng một mặt bằng để so sánh, đánh giá trong trường hợp có nhiều nhà cung cấp, có thể cùng một loại dịch vụ kỹ thuật, nhưng mỗi hãng có sự khác nhau về công nghệ, loại hóa chất (bao gồm cả hóa chất chính và hóa chất phụ trợ) hay mức tiêu hao. Nếu chỉ căn cứ vào khối lượng hóa chất chính để chào thầu, thì hồ sơ mời thầu không đưa ra các yêu cầu kỹ thuật để chọn thiết bị có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động, độ chính xác cao, tiết kiệm hóa chất hơn. Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu để hướng đến một loại vật tư, hóa chất, thiết bị cụ thể, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu…

Để khắc phục những điểm bất cập trên, Điều 55 Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, trong đó quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng/chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể. Cách thức triển khai chi tiết được Quốc hội giao cho Chính phủ quy định ở các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

Trong số các cách thức lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp theo số lượng dịch vụ kỹ thuật đầu ra (giá gói thầu và giá dự thầu được xác định trên cơ sở số lượng dịch vụ kỹ thuật đầu ra dự kiến) là cách thức đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị áp dụng vì tính công khai, minh bạch cao và mô hình này đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. “Đây là một mô hình mua sắm trọn gói, từ hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện thay thế và các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng… cũng như quyền sử dụng thiết bị y tế trong thời hạn hợp đồng không quá 5 năm”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá.

Để lịch sử khó khăn không lặp lại…

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế nghiêm trọng thời gian qua là minh chứng cho việc triển khai chưa bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả Luật Đấu thầu năm 2013. Nhiều văn bản nghị định, thông tư hướng dẫn của ngành y tế bó chặt, gây khó khăn, tắc nghẽn cho hoạt động đấu thầu, mua sắm.

Để lịch sử không lặp lại, trưởng phòng vật tư của một bệnh viện tuyến Trung ương khuyến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần coi trọng công tác hướng dẫn Luật Đấu thầu. Các văn bản hướng dẫn phải bám sát Luật, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, vừa phải tăng tính chủ động, tự quyết của các cơ sở KCB.

“Quy định pháp luật phải theo kịp cuộc sống thì mới đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Các văn bản hướng dẫn không bám sát luật, không phân cấp, phân quyền rõ ràng, cụ thể thì không thể có cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong mở đường”, ông Trần Thọ Thành nói.

Cùng với đó, nhiều ý kiến khuyến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan về dược, về tài sản công, bảo hiểm y tế… để có sự đồng bộ và thực sự tạo thông thoáng, hiệu quả cho công tác đấu thầu của ngành y tế.

Chuyên đề