Giải quyết bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mô hình máy đặt, máy mượn đã được thực hiện từ nhiều năm qua (chiếm trên 95% tổng số máy), nhưng thực tế đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Với việc Dự thảo Luật Đấu thầu đưa ra 5 cách thức để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia trong ngành tin rằng bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn sẽ được giải quyết dứt điểm khi Luật có hiệu lực.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung Điều 55 quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung Điều 55 quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Lê Tiên

Bất cập từ thực tế

Trước tiên, về cơ sở pháp lý, mô hình này chưa phù hợp với quy định của Luật Quản lý tài sản công. Từ năm 2009 đến nay, không ít lần việc thanh toán đối với bảo hiểm y tế (BHYT) cho dịch vụ kỹ thuật (DVKT) thực hiện trên máy đặt, máy mượn bị dừng đột ngột, khiến cho bệnh viện và nhà thầu lao đao.

Gần nhất, ngày 7/2/2023, Bộ Y tế ban hành Công văn 517/BYT-BH hướng dẫn triển khai thực hiện Khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022. Trong đó, cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB BHYT của các DVKT thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày 5/11/2022 (ngày Nghị quyết 144 có hiệu lực thi hành). Công văn này khiến cho hầu hết máy đặt, máy mượn đang triển khai phải ngừng hoạt động, bệnh viện rơi vào cảnh thiếu máy, bệnh nhân phải xếp hàng chờ đợi…

Để gỡ vướng trước mắt và tạo điều kiện cho các bệnh viện khắc phục tình trạng thiếu TBYT phục vụ cho hoạt động KCB, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các DVKT thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả LCNT được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, cần luật hóa để có giải pháp dài hạn, rõ ràng, minh bạch hơn.

Theo ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chính vì không có quy định rõ ràng về giá cung cấp DVKT, tỷ lệ phân chia lợi nhuận…, mới dẫn đến 11/27 đề án máy liên doanh, liên kết theo mô hình máy đặt, máy mượn thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2018 tại Bệnh viện bị điều tra vì có dấu hiệu vi phạm, giá thiết bị bị nâng khống, bệnh nhân phải chi trả cao hơn nhiều so với bình thường…

Thực tế, nhiều ý kiến chỉ rõ, khi thực hiện mô hình này, đơn giá đầu ra của từng DVKT không được công khai, minh bạch dễ dẫn đến hành vi tiêu cực. Nhiều trường hợp hết thời gian thực hiện hợp đồng (thời gian đặt máy) nhưng hóa chất đã mua chưa sử dụng hết, gây lãng phí.

Việc thực hiện theo mô hình này cũng không công bằng cho các nhà thầu do không cùng một mặt bằng để so sánh, đánh giá trong trường hợp có nhiều hãng sản xuất có thể cùng cung cấp được một loại DVKT nhưng với các công nghệ khác nhau, sử dụng các loại hóa chất khác nhau (bao gồm cả hóa chất chính và hóa chất phụ trợ) với mức tiêu hao không giống nhau. Việc chỉ căn cứ vào khối lượng hóa chất chính để chào thầu mà không tính toán mức tiêu hao để thực hiện mỗi một xét nghiệm… là không mang lại hiệu quả kinh tế. Thiết bị có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm hóa chất và thiết bị có công nghệ tiêu hao nhiều hóa chất được đối xử như nhau, không chọn được thiết bị có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động, độ chính xác cao. Mô hình này dễ dẫn đến tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu để hướng đến một loại vật tư, hóa chất, thiết bị cụ thể, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

“Rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài bỏ giá với giá thấp nhất, nhưng người ta lấy lãi bằng nhiều cách về sau này, bằng cách bán các nguyên, nhiên, vật liệu đi kèm sau này”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung quy định bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy đặt, máy mượn tại các cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung quy định bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy đặt, máy mượn tại các cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên

Gỡ khó cho mô hình máy đặt, máy mượn

Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung Điều 55 quy định về LCNT cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế (TBYT) trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH và ý kiến thống nhất của Bộ Y tế.

Cụ thể, trước mắt, để bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp DVKT, không ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ KCB cho người dân, đồng thời để các bệnh viện có thời gian chuyển đổi phù hợp với cơ chế giá KCB được tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật KCB, Khoản 1 Điều 55 Dự thảo Luật quy định 5 cách LCNT cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Thứ nhất, cơ sở y tế được LCNT cung cấp vật tư, hóa chất và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp TBYT để sử dụng vật tư, hóa chất đó theo yêu cầu của chủ đầu tư; nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu, chỉ chuyển giao quyền sử dụng TBYT cho cơ sở y tế. Thời gian áp dụng không quá 5 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Thời hạn duy trì hợp đồng đã ký giữa các bệnh viện và nhà thầu, doanh nghiệp như nêu tại Dự thảo Luật là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện hết hợp đồng đã ký, và có thời gian để chuyển đổi sang cách thức phù hợp.

Cách thứ hai là LCNT theo số lượng DVKT, giá gói thầu và giá dự thầu được xác định trên cơ sở số lượng DVKT dự kiến (hợp đồng không quá 5 năm); nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu. Nhà thầu có trách nhiệm cung cấp cho chủ đầu tư TBYT, vật tư y tế, hóa chất, phụ tùng thay thế và các dịch vụ liên quan để vận hành TBYT, vật tư y tế theo số lượng DVKT mà chủ đầu tư, bên mời thầu yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (không cung cấp nhân công vận hành TBYT, vật tư y tế). Đây là cách thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị và đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.

Ngoài ra, các cơ sở y tế còn có thể LCNT cung cấp TBYT, vật tư y tế và vật tư, hóa chất (nhà thầu chuyển giao quyền sở hữu); hoặc LCNT cung cấp TBYT, vật tư y tế (nhà thầu chuyển giao quyền sở hữu); hoặc LCNT cung cấp hóa chất để vận hành TBYT, vật tư y tế sẵn có.

Thảo luận về những giải pháp đưa ra trong Dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Tri Thức (TP.HCM), Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất: “Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Kể từ nay cho đến khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ cần dựa trên nền tảng Luật để ban hành một nghị quyết tương tự “Nghị quyết 30” nhằm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai”.

“Mặt khác, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá sơ kết tình hình triển khai thực hiện và vai trò của Nghị quyết 30, Nghị định 07/2023/NĐ-CP. Những vấn đề gì đã được cọ xát với thực tế, cho thấy có giải pháp hữu ích, thì cần thể chế hóa, luật hóa trong Luật Đấu thầu. Để gỡ vướng mắc hiện nay cho ngành y, không chỉ Luật Đấu thầu, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật KCB đã được thông qua tại Kỳ họp trước”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Trương Thị Tố Hoa, Trưởng ban Pháp chế của Tiểu ban Trang TBYT và Chẩn đoán của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam cho rằng, quy định về đấu thầu cho TBYT cần phải công khai, minh bạch và bình đẳng cùng có lợi, trong đó lấy người bệnh làm trung tâm để người bệnh được tiếp cận với các TBYT chất lượng, hiện đại với chi phí hợp lý. Thời hạn duy trì hợp đồng đã ký giữa các bệnh viện và nhà thầu, doanh nghiệp như nêu tại Dự thảo Luật là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện hết hợp đồng đã ký, và có thời gian để chuyển đổi sang cách thức phù hợp.

“Điều 55 đã quy định bao quát các trường hợp mua thuốc, hóa chất, TBYT, VTYT, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng máy đặt, máy mượn tại các bệnh viện hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, TBYT nhằm thực hiện các DVKT bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đánh giá.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư