Giải quyết căn cơ các bất cập trong mua sắm thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại phiên thảo luận ngày 24/5/2023, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cơ bản tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp từ Kỳ họp thứ tư cho đến nay. Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật đã đưa ra những giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, vừa tăng tính chủ động cho các cơ sở y tế.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Dự thảo Luật có một chương riêng và nhiều điều khoản để quy định các vấn đề liên quan đến y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế đặc thù.

Cụ thể, Dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình “máy đặt, máy mượn”, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả. Trong đó, cơ sở y tế có thể lựa chọn một trong 5 cách thức để thực hiện. Một trong số đó là cách thức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật tính theo số lượng đầu ra (Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị áp dụng và hiện đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia). Đối với những hợp đồng đang thực hiện, cơ sở y tế được tiếp tục được duy trì trong 5 năm để có thời gian chuyển đổi sang hình thức minh bạch, cạnh tranh hơn.

Để khắc phục những khó khăn trong trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít đã xảy ra trong thời gian qua, Dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép áp dụng hình thức mua sắm tập trung đối với các loại thuốc này.

Dự thảo Luật cũng bổ sung trường hợp chỉ định thầu gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trong trường hợp cơ sở KCB không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế.

Để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, Dự thảo Luật chỉnh lý quy định về mua thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở KCB theo hướng quy định cơ sở y tế được tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán Bảo hiểm Y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng chỉnh lý quy định về ưu đãi trong đấu thầu thuốc theo hướng ưu đãi cho các thuốc sản xuất trong nước và được chứng nhận đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra sự cạnh tranh với thuốc nhập khẩu nhằm khuyến khích phát triển sản xuất dược phẩm trong nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Dự thảo cũng đã hoàn thiện quy định phân cấp về thẩm quyền cho bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh, còn Thủ tướng chỉ quyết định những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, khi xuất hiện những vấn đề phát sinh liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh mà chưa được điều chỉnh trong luật này thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét nhằm tạo tính chủ động khi xử lý những trường hợp phát sinh.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các quy định về mua thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế trong Dự thảo Luật đã cơ bản giải quyết được các bất cập hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần phải xem xét, sửa đổi một số quy định liên quan về dược, tài sản công, bảo hiểm y tế… cho phù hợp với những đặc thù của lĩnh vực y tế.

Thực tế cho thấy, bên cạnh một số vướng mắc trong quy định của Luật Đấu thầu, hầu hết khó khăn trong hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế trong thời gian qua chủ yếu phát sinh từ việc thi hành luật không tốt, hoặc là những những bất cập, chưa chặt chẽ, đầy đủ, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của nghị định và thông tư. Trước mắt, để khắc phục những bất cập này, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc thông qua việc ban hành một số nghị quyết, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản có liên quan, gần đây nhất là ban hành Nghị quyết số 30 về tiếp tục bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế và Nghị định số 07 sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.

Cùng quan điểm, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thống nhất giữa các quy định, tránh sự chồng chéo gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Thực tiễn hàng chục năm làm việc ở nhiều bệnh viện, cá nhân tôi thấy rất thấm thía việc mua sắm thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít. Khi tôi hỏi những bác sĩ: “Tại sao không điều trị cho bệnh nhân?” thì họ bảo là: “Bọn em không có thuốc”. Tôi hỏi: “Tại sao không mua cho bệnh nhân?” thì câu trả lời là: “Số lượng thuốc cần mua sắm ít quá, 3 lọ, 5 lọ… người ta không bán”.

Bây giờ, Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu chung cho cả nước, từ 3 lọ, 5 lọ, 50 lọ, 100 lọ… cộng lại được một gói thầu lớn, thì mới có nhà cung cấp.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội)

Về chỉ định thầu, tôi hoàn toàn nhất trí với quy định tại Điều 23 Dự thảo Luật đã nêu rõ các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ số thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế; gói thầu mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Việc áp dụng chỉ định thầu trong các trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các tình huống cấp bách, như đại dịch Covid-19 vừa qua.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tôi rất đồng tình và thống nhất với việc giao thẩm quyền cụ thể. Ví dụ trường hợp có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ; liên quan đến các lĩnh vực khác thì giao cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Đối mặt với những việc cấp bách, ví dụ dịch Covid-19 vừa rồi, nếu không mở ra các hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi mua sắm bộ kit test, trang thiết bị y tế… thì rất khó khăn trong công tác phòng chống dịch cấp bách.

Chuyên đề